Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 cao ngất ngưỡng: Rằng vui thì thật là vui...

Cập nhật: 19-06-2010 | 00:00:00

Hai ngày qua, nhiều địa phương trong cả nước đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 của đơn vị mình. Tuy chưa có kết quả thống kê chính thức trên phạm vi toàn quốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng qua số liệu cho thấy, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở nhiều địa phương đạt trên 90%, nhất là ở các tỉnh phía bắc, nhiều tỉnh đạt cao ngất ngưỡng trên 99%. Thông tin trên rõ ràng làm nhiều bậc phụ huynh vui mừng, phấn khởi, mở ra nhiều hy vọng mới cho ngành giáo dục và cả xã hội. Bởi ai cũng biết, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao hay thấp lệ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: sự chuyên cần của từng thí sinh, sự tích cực ôn thi của từng trường ra sao, đề thi dễ hay khó, sự coi thi, kiểm tra thi có nghiêm túc...

Như vậy, sẽ rất mừng nếu kết quả trên phản ánh đúng chất lượng. Đối với các trường có sự chuẩn bị ôn luyện nghiêm túc, học sinh học tập chuyên cần, tích cực, cộng với đề thi tương đối dễ thở thì kết quả trên đã phản ánh trung thực, khách quan.

Riêng tại Bình Dương, tỷ lệ trên là gần 88%. So với một số tỉnh, thành lân cận, kết quả trên tuy có thấp hơn nhưng so với chính địa phương mình thì điều này có thể chấp nhận được nếu không muốn nói là đáng phấn khởi. Bởi so với kỳ thi này của năm học trước, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đã tăng gần 10%.

Từ kết quả tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp nghiệp cao “đột xuất” như thế đã đặt cho ngành giáo dục và những ai quan tâm đến giáo dục nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Ngành giáo dục đã từng chịu áp lực của phụ huynh và dư luận xã hội. Đó là những vấn đề liên quan đến chất lượng người thầy, chất lượng giảng dạy, chất lượng thi cử... Ngay trong chuyện thi cử cũng chịu áp lực không kém. Nếu tỷ lệ học sinh đỗ cao không khéo vướng vào “bệnh thành tích” còn học sinh đỗ ít thì dễ bị quy rằng chất lượng giáo dục... có vấn đề. Vì thế, với tỷ lệ học sinh đỗ cao ngất ngưỡng như hiện nay, liệu có “ vướng” vào với những suy nghĩ như trên?

Còn nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên là khách quan, đúng thực chất thì đang đặt ra cho những nhà quản lý một yêu cầu mới. Đó là nên chăng đã đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao (trên 90%) thì thi làm gì cho tốn kém ngân sách Nhà nước và của phụ huynh. Lúc này chỉ cần xét tốt nghiệp là đủ.

Mừng cho sĩ tử tốt nghiệp hôm nay chợt tiếc cho những người trượt của những kỳ thi trước. Phải chi...

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên