Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN-MT:

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND để xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh

Cập nhật: 07-01-2021 | 08:14:25

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND ngày 22-12-2020 (Quyết định 33) về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định này có một số điểm thay đổi so với Quyết định số 37/2019/QĐ-UBND ngày 20-12-2019 (Quyết định 37). Để kịp thời thông tin đến bạn đọc, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.


Xác định giá đất cụ thể góp phần bảo đảm giá đất phù hợp với thị trường, tạo lực phát triển kinh tế, đô thị địa phương. Trong ảnh: Dự án Midori Pak, thành phố mới
Bình Dương

- Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 33 về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Xin bà cho biết sự cần thiết ban hành hệ số K?

- Theo quy định, hệ số K phải được ban hành để áp dụng từ ngày 1-1 hàng năm. Để xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh và nhằm bảo đảm giá đất do UBND tỉnh ban hành áp dụng năm 2021 khi nhân với hệ số K sẽ phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, UBND tỉnh ban hành quyết định quy định hệ số K để áp dụng từ ngày 1-1-2021 thay thế Quyết định 37 về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Xin bà cho biết những căn cứ để xây dựng hệ số K?

- Để xây dựng hệ số K, Bình Dương căn cứ theo các quy định và hướng dẫn của Trung ương về việc ban hành và áp dụng hệ số K và hệ số K đang áp dụng năm 2020 (Quyết định 37). Kết quả cuộc họp ngày 17- 11-2020 do Sở Tài chính tổ chức gồm các sở, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Cục Thuế, Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND 9 huyện để góp ý xây dựng hệ số K áp dụng trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, căn cứ vào báo cáo đề xuất xây dựng hệ số K để áp dụng trong năm 2021 của UBND huyện trên cơ sở rà soát tình hình biến động giá đất và điều kiện thực tế trên địa bàn huyện và các góp ý bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và Cục Thuế.

- Hệ số K quy định các trường hợp áp dụng nào, thưa bà?

- Hệ số K gồm có 10 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng và các trường hợp áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại; nguyên tắc xác định và tổ chức thực hiện. Hệ số K quy định các trường hợp áp dụng sau: Thứ nhất, khi xác định giá trị thửa đất hoặc khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng (tính theo giá đất trong bảng giá đất) thì áp dụng hệ số K để thực hiện, gồm: Tính tiền sử dụng đất (SDĐ) khi Nhà nước công nhận quyền SDĐ của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích SDĐ từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền SDĐ khi Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ (trừ trường hợp đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý) không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ; công nhận quyền SDĐ, cho phép chuyển mục đích SDĐ đối với tổ chức mà phải nộp tiền SDĐ. Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất (trừ trường hợp đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê) không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ.

Xác định giá trị quyền SDĐ (giao, thuê) để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần hóa SDĐ thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa mà được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức thu tiền thuê đất một lần của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm nay chuyển sang thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Xác định lại giá đất cụ thể khi người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn SDĐ còn lại, SDĐ đúng mục đích đã được xác định trong dự án. Xác định tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ đối với trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Thứ 2, thuê đất thu tiền hàng năm mà phải xác định lại đơn giá thuê đất để điều chỉnh cho chu kỳ tiếp theo. Thứ 3, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm. Thứ 4, xác định giá trị quyền SDĐ để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công.

- Hệ số K phân loại đối với những loại đất nào, thưa bà?

- Hệ số K phân loại đối với đất nông nghiệp, gồm đất trồng lúa; đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng không có mục đích kinh doanh; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác.

Hệ số K đối với đất phi nông nghiệp, gồm đất ở; đất thương mại - dịch vụ; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại - dịch vụ; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất quốc phòng, đất an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất cơ sở tôn giáo, đất cơ sở tín ngưỡng; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng có kinh doanh; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và đất có mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản và đất phi nông nghiệp khác. Hệ số K đối với đất chưa sử dụng sẽ áp dụng bằng hệ số K của loại đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất (đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp) theo khu vực, loại đường.

- Thửa đất hoặc khu đất thuộc các trường hợp áp dụng tại Điều 4 của quyết định này được tính bổ sung hệ số tăng thêm như thế nào, thưa bà?

- Ngoài việc áp dụng hệ số K quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Quyết định số 33, căn cứ vào hệ số SDĐ, thửa đất hoặc khu đất thuộc các trường hợp áp dụng tại Điều 4 của quyết định này (trừ các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4) được tính bổ sung hệ số tăng thêm như sau:

Thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ từ 4,0 đến dưới 6,0 lần thì hệ số K được tính tăng thêm 5% so với hệ số K quy định; thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ từ 6,0 đến dưới 8,0 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 10% so với hệ số K quy định; thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ từ 8,0 đến dưới 10,0 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 15% so với hệ số K quy định; thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ từ 10,0 đến dưới 11,5 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 20% so với hệ số K quy định; thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ từ 11,5 đến 13,0 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 25% so với hệ số K quy định; thửa đất hoặc khu đất có hệ số SDĐ trên 13,0 lần thì hệ số điều chỉnh giá đất được tính tăng thêm 30% so với hệ số K quy định.

- Xin cảm ơn bà!

 PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên