Ưng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ: Phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường

Cập nhật: 30-12-2010 | 00:00:00

Vừa qua, tại Bình Dương, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Sở KH-CN Bình Dương đã tổ chức Hội thảo toàn quốc Giám đốc các Trung tâm (TT) Ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương lần thứ III. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Huỳnh Văn Nhị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH-CN, lãnh đạo các Sở KH-CN và TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương trong cả nước.

  Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh (phải) trao tặng quà lưu niệm cho tỉnh Bình Dương

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá các hoạt động của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Kết luận Hội thảo Giám đốc các TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương năm 2009; chia sẻ kinh nghiệm giữa các TT thông qua kết quả hoạt động trong năm 2009 và 2010 của các TT (thành công, chưa thành công; những khó khăn, thuận lợi; nguyên nhân và các vấn đề cần tháo gỡ); chia sẻ kinh nghiệm qua học tập các mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ có hiệu quả; thảo luận các giải pháp và định hướng hoạt động nhằm nâng cao năng lực của các TT trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, cả nước có 61 TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo báo cáo đầu năm 2009 của các TT, tổng nhân lực của 60 TT là 1.018 người. Bình quân mỗi TT có 17 người.

TT là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Sở KH-CN, thực hiện chức năng lựa chọn và tổ chức ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường. TT là cầu nối giữa địa phương với các cơ quan và tổ chức KH-CN ở Trung ương, các viện và các trường đại học; TT còn là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Sở KH-CN phối hợp với các nhà khoa học, các viện, các trường, các tổ chức KH-CN ở Trung ương để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật, tổ chức khảo nghiệm để hoàn thành quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện của địa phương và áp dụng các thành tựu KH-CN vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống của địa phương...

Từ năm 2009 đến 2010, các Sở KH-CN đã rất tích cực xây dựng và trình duyệt dự án đầu tư phát triển, tổng kinh phí các dự án được phê duyệt là gần 1.000 tỷ đồng. trong đó, năm 2010 dự kiến giải ngân được 120 tỷ đồng, nhu cầu năm 2011 sẽ là trên 250 tỷ đồng. Thực trạng này cho thấy, từ năm 2011 trở đi, các TT sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn về việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ cho phát triển mạnh các TT; đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với các TT từ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của các tỉnh, thành phố...

Thứ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã đề nghị: Lãnh đạo các Sở KH-CN tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN, các TT cần chủ động trong việc xây dựng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong bộ trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển và sự nghiệp KH-CN từ Trung ương và địa phương. Các đơn vị trong bộ cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động của các TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương”, sớm trình Chính phủ trong thời gian tới. Vụ Tổ chức Cán bộ chủ động giúp các TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN trong quá trình chuyển đổi theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Cần phát huy hơn nữa vai trò là đầu mối, tích cực hỗ trợ các TT Ứng dụng tiến bộ KH-CN thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=305
Quay lên trên