Ứng phó thế nào khi con “yêu” sớm?

Cập nhật: 04-05-2013 | 00:00:00
Trẻ biết “yêu” sớm, hay chính xác hơn là biết rung động trước bạn khác giới ở độ tuổi thiếu niên ngày càng phổ biến. Đi kèm cảm xúc này là tuổi dậy thì đầy xốc nổi, khó dạy. Điều này đã khiến không ít các bậc phụ huynh lúng túng, bối rối trong cách định hướng, giáo dục con cái…

 Gần đây, chị Thái rất hay phàn nàn về chuyện của con gái lớn của chị. Cô con gái lớn của chị năm nay 15 tuổi, học lớp 10. Trước đây cô bé học hành khá chăm chỉ và ngoan ngoãn. Vợ chồng anh chị là dân kinh doanh nên công việc cũng khá bận rộn, vì vậy không có thời gian để ý đến con cái nhiều. Thấy con đi học rồi về đúng giờ là anh chị yên tâm lắm. Con đã lớn, lại bận rộn chuyện học hành nên anh chị bàn nhau mua điện thoại di động và laptop cho con. Trước là để con tiện liên lạc với gia đình, sau nữa là cho con được bằng bạn, bằng bè, có đủ điều kiện phục vụ việc học tập. Thi thoảng, chuyện học hành, bè bạn trên lớp, con vẫn mang về nhà kể với mẹ. “Nó có lần kể với mẹ về bạn trai cũ một cách hết sức thoải mái mà không có vẻ gì sợ sệt, nó còn nói thêm rằng mẹ đừng lo, chỉ là có bồ để đi uống nước, xem phim cho vui thôi”. Nhưng vừa rồi, cô giáo chủ nhiệm lớp gọi điện thông báo cho biết cháu thường xuyên trốn tiết và bỏ học. “Nghe cô giáo nói về con mình mà tôi cứ ngỡ như cô đang nói về ai. Từ trước đến giờ tôi luôn “mặc định” rằng con gái mình rất chăm chỉ và ngoan ngoãn”.

Không được may mắn như chị Thái vì còn có cô giáo luôn theo dõi sát sao. Lan có cô em gái 13 tuổi, bắt đầu vào giai đoạn dậy thì nên có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Cô kể: “Em mình vốn học hành vào dạng không nổi trội, một năm trở lại đây có dấu hiệu lười học, thích chơi bời, để ý đến các bạn trai khác cùng lứa. Càng lớn, nó càng tỏ ra ngông nghênh, khó bảo. Thích chơi game, nói tục, hay gây sự vì muốn được người khác chú ý đến mình…”. Biết em gái đang trong độ tuổi nhạy cảm, ba mẹ cho đi học thêm đủ các lớp nhưng các cô giáo đều không nhận vì không chịu học. Các bạn ngoan hơn cũng không muốn chơi với em…

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tình huống mà nhiều vị phụ huynh đang gặp phải. Họ bối rối khi thấy con trong độ tuổi dậy thì có sự thay đổi lớn về tâm lý. Đôi khi, nhiều phụ huynh còn chủ quan cho rằng, chuyện “yêu đương nhăng nhít”, chểnh mảng học hành chỉ xảy ra với con… nhà khác chứ chẳng phải con mình.

Khi bước vào tuổi dậy thì, nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lý dở dở ương ương, rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhưng cũng vô cùng bướng bỉnh. Lúc này, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc uốn nắn trẻ. Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, theo phản xạ tự nhiên, cái tôi cá nhân của các trẻ sẽ trỗi dậy và việc phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, đối mặt với chuyện con trẻ có tình ý quá sớm với bạn khác giới mà cha mẹ tỏ ra nghiêm khắc, chửi mắng, cấm đoán là điều tối kỵ. Cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu con, đừng quá cực đoan với tình cảm của tuổi mới lớn. Gần gũi chia sẻ với con là cách tốt nhất để bạn biết rõ, phân tích cho con biết điều đúng, sai, kịp thời ngăn chặn những hệ lụy phát sinh. Cách giáo dục con cái tốt nhất là trở thành những người bạn, đồng hành cùng con. 

THU THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên