Ước mơ làm cô giáo của một công nhân

Cập nhật: 23-10-2010 | 00:00:00

 Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, không có điều kiện để tiếp tục theo học nên sau tốt nghiệp phổ thông, Đỗ Thị Hằng phải nghỉ học để làm công nhân. Tưởng chừng ước mơ làm cô giáo sẽ không bao giờ thực hiện được, nhưng tình cờ ước mơ của Hằng đã được thắp sáng và Hằng rút ra một điều rằng, nếu biết ước mơ thì sớm muộn ước mơ cũng thành hiện thực...

 Không bao giờ là quá muộn

Hằng sinh năm 1980, quê ở tận Thanh Hóa. Gia đình cô nghèo nên tốt nghiệp THPT Hằng chỉ thi vào cao đẳng, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên chuyện học hành kể như gác lại. Một lần, vào xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên để dự tiệc ở nhà một người thân, thấy nơi đây có thể lập nghiệp, Hằng quyết định xa quê để mưu sinh. Hằng cho biết: “Lúc đó là vào năm 2001, mình vào ở với người chị và đi làm thuê làm mướn suốt ngày. Mỗi tháng cũng dành dụm được vài trăm ngàn đồng gửi về quê và tự lo cho việc luyện thi vào đại học. Đang luyện thi thì mình lại nghĩ, nếu thi đậu vào đại học thì tiền đâu để học, nên quyết định thôi học để chuyên tâm đi làm”.

Vậy rồi Hằng lập gia đình và sinh con. Cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng gắn với nghề cạo mủ ở Nông trường Cao su Nhà Nai (Tân Thành, Tân Uyên). Năm vừa qua, tình cờ gặp lại người quen, người đó hỏi Hằng có muốn tiếp tục đi học thì nộp hồ sơ vào trường Đại học Thủ Dầu Một (trước đây là trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương) để được xét tuyển. Được sự động viên của chồng và bạn bè, Hằng mạnh dạn nộp đơn để được xét tuyển sau hơn 4 năm bỏ tập vở để đi làm. Nhớ lại cái ngày đi thi môn năng khiếu, Hằng nói: “Lúc đó, con mình mới 2 tuổi, điều kiện cuộc sống lại không cho phép nên trong thâm tâm cứ nghĩ đi thi cho biết nên không chuẩn bị gì cả. Đến khi vào thi chỉ hát theo năng khiếu, cũng không hy vọng đậu, nhưng may mắn đã đến với Hằng. Khi nghe trúng tuyển, Hằng còn không tin đó là sự thật!”.

Cùng với niềm vui trúng tuyển là nỗi lo! Cả hai vợ chồng cùng đi làm còn thiếu trước hụt sau, nếu Hằng đi học thì không biết lấy gì để bảo đảm chi tiêu cho gia đình, chi cho việc học tập của bản thân. Tuy nhiên, được làm cô giáo là ước mơ từ nhỏ nên Hằng không thể để cơ hội vuột khỏi tầm tay. Vượt qua khó khăn, ở cái tuổi 30 hiện Hằng là sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một, khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non.

Vượt khó để đến trường

Vừa là công nhân cạo mủ cao su, vừa đi học nhưng Hằng vẫn luôn bảo đảm giờ giấc đến lớp. Hàng ngày, Hằng chỉ ngủ khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ, 1 giờ sáng hoặc có khi sớm hơn là hai vợ chồng đã thức dậy để đi làm. 5 giờ sáng tranh thủ về nhà sắp xếp mọi việc xong là Hằng lên xe vượt gần 50 cây số thẳng tiến về TX.TDM... Hằng bảo, nhiều lúc mệt đến đứt hơi nhưng hoàn cảnh bắt buộc mình phải quên cái mệt đi, thích nghi với cuộc sống và cố gắng khắc phục khó khăn. Chỉ lúc nào con bệnh thì Hằng mới nghỉ học. Nguồn động viên lớn nhất đối với Hằng là từ người bạn đời: “Anh ấy luôn là người ủng hộ và chia sẻ với mình nhiều nhất, nếu không có anh ấy chắc mình không thể vượt qua được...”. Đối với Hằng, thời gian rất quan trọng, nên cô phải sắp xếp thời gian sao cho thật hợp lý. Thời gian nghỉ ngơi của Hằng là những phút giải lao ngắn ngủi trong khi làm việc, những buổi trưa ở lại trường... Còn buổi tối, Hằng vừa trông con vừa học bài.

Khi tiếp xúc với Hằng, ngoài bộ đồng phục sinh viên trẻ trung thì trên gương mặt của cô vẫn phảng phất nhiều nỗi lo toan, nhưng cô biết che giấu nó bằng nụ cười. Và đó chính là điều mà tôi phải khâm phục Hằng. Khó khăn là vậy, nhưng thành tích học tập của cô luôn đạt khá. Chúc Hằng đủ nghị lực vượt qua khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực.

KIM VÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên