Uốn măng khi còn non

Cập nhật: 08-08-2012 | 00:00:00

Tôi có người bạn thân, thi thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trút bầu tâm sự. Chị bạn tôi có đứa con gái nay đã 6 tuổi. Trông cháu thật xinh xắn, nhưng chưa được ngoan. Dù thân quen với mẹ cháu và gia đình, nhưng những lần tôi đến nhà bé chưa bao giờ chào hỏi cả. Không chào khách đã đành, khi được hỏi cháu bé cũng cứ trơ mắt ra nhìn. Nếu như có mua quà đến thì cháu tự động giật lấy ăn ngấu nghiến. Mấy lần tôi có nhắc khéo bạn phải dạy cháu biết kính trên, nhường dưới, vậy mà bạn tôi cứ gạt ngang: “Tính nó là vậy, nó mà không thích thì có cạy miệng cũng không thèm nói. Vậy chứ khi khách về thì lại theo mẹ hỏi thăm đủ thứ chuyện. Còn bánh trái thì nhà này đâu có thiếu, chỉ vì nó thích của lạ ấy mà. Khi lớn nó tự khắc biết mà điều chỉnh hành vi (?!)”. Tuy là chỗ bạn bè thân thiết, nhưng tôi không đồng tình với cách dạy con của người bạn.

Với xu hướng sinh ít con như ngày nay, cha mẹ thường nuông chiều con thái quá. Do muốn gì được nấy từ nhỏ, khi lớn lên những đứa trẻ này sẽ ương bướng và ngỗ ngược đến mức hết thuốc chữa. Tôi có biết trường hợp một học sinh được xếp vào loại cá biệt, cũng do cha mẹ coi là con cưng ngay từ khi mới sinh ra. Còn nhớ khi cháu học lớp 1, lớp 2, do cháu học một buổi nên thường được ba hoặc mẹ đưa vào cơ quan. Ba cháu là sếp ở một đơn vị, nên cháu học và quen với cách nói như lãnh đạo của ba. Cháu thường có kiểu nói cao giọng, hỏi như hạch sách với người lớn. Vào các phòng ban cháu thản nhiên phá máy vi tính, xé tài liệu. Đến nỗi ai thấy cháu cũng dè chừng, cháu xuất hiện từ xa là họ đóng cửa phòng, hoặc dọn dẹp mọi thứ để trên bàn. Quen tính ngang ngược, càng lớn cháu càng bướng và trở thành đứa trẻ bất trị. Cha mẹ cháu phải đưa vào trường nội trú để cháu không có cơ hội đi chơi lêu lổng. Nhưng chẳng được bao lâu gia đình cũng đành bó tay, đành đem về cho học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ông bà ta thường dạy: “Uốn măng từ lúc còn non”. Câu nói này vẫn còn nguyên giá trị cho đến bây giờ và mai sau. Mong rằng các bậc cha mẹ cần điều chỉnh cách dạy dỗ con. Đừng nuông chiều con quá mức, để rồi về sau có hối hận cũng không thể sửa sai được, vì đã quá muộn.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên