Ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân

Cập nhật: 11-03-2011 | 00:00:00

(BDO) Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lê Phước Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, tuy mùa mưa năm 2010 kết thúc muộn nhưng tổng lượng mưa cả năm trên địa bàn tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm, nên tình hình khô hạn năm nay diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước.   Ông Lê Phước Thành

- Thưa ông, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước ngọt trên địa bàn tỉnh?

- Ảnh hưởng dễ thấy nhất là đến thời điểm này, mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận đang xuống nhanh, khả năng thiếu điện, nước tưới sẽ cao hơn so với các năm trước; tình hình khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng và kéo dài trong mùa khô năm nay. Riêng sông Sài Gòn xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và vào sâu hơn so với cùng kỳ hàng năm, do mực nước hồ Dầu Tiếng đang xuống nhanh, đến ngày 9-3 mực nước chỉ còn 19,84m/24,4m mực nước dâng bình thường, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua, nên khả năng xả nước đẩy mặn của hồ cho sông này gặp nhiều khó khăn.

- Thiệt hại do khô hạn gây ra đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

- Thiệt hại thì chưa, tuy nhiên để nắm rõ hơn tình hình thực tế, vài ngày tới chúng tôi sẽ đi kiểm tra tình hình nắng hạn ở một số xã của 3 huyện Dầu Tiếng, Tân Uyên và Phú Giáo. Qua kiểm tra, chúng tôi có cơ sở báo cáo với lãnh đạo sở để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn mùa khô năm nay có hiệu quả nhất.

- Các địa phương, doanh nghiệp và người dân ứng phó ra sao khi khô hạn kéo dài?

- Sở đã có phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn trong mùa khô năm nay. Theo đó, đối với những địa phương có nguy cơ nhiễm mặn, sở yêu cầu tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung xuống giống vụ Đông – Xuân sớm và đồng loạt, lựa chọn giống, thời điểm gieo giống, xuống giống phù hợp với diễn biến thời tiết. Đối với những địa phương khan hiếm nguồn nước, phải ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân; tổ chức tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước; rà soát, có biện pháp sửa chữa kịp thời các công trình cấp nước sạch hư hỏng, chống thất thoát nguồn nước. Đối với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác quản lý khai thác nguồn nước, tiết kiệm nguồn nước. Tăng cường sự phối hợp giữa địa phương và  các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trong công tác phòng chống hạn mặn mùa khô.

Riêng đối với Chi cục Thủy lợi, sẽ thường xuyên cập nhật và thông báo tình hình khí tượng thủy văn mùa khô năm nay cho các đơn vị. Kiểm tra tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất ở những vùng canh tác. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh về công tác phòng, chống hạn ở các địa phương, tham mưu các giải pháp để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.

   Khô hạn kéo dài sẽ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh (Ảnh: Người dân ở Phú Giáo chăm sóc vườn khoai mì)

Theo kế hoạch kiểm tra tình hình nắng hạn trong mùa khô năm 2011, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn sẽ kiểm tra đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp, các nguồn nước tưới, nước sinh hoạt hiện nay và khả năng cung cấp trong thời gian tới. Kiểm tra tình hình sử dụng nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; tình hình quản lý, vận hành điều tiết nước tưới; các biện pháp phòng chống hạn của địa phương thời gian qua.

Dự kiến, đoàn sẽ kiểm tra 2 xã Minh Hòa, Định An (Dầu Tiếng) ngày 15-3; Đất Cuốc, Tân Định, Thường Tân, Hiếu Liêm, Trạm Thủy nông Tân Uyên (Tân Uyên) ngày 16,17-3; Tam Lập, Tân Long, An Long (Phú Giáo) ngày 22-3.

HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên