Và con tim đã vui trở lại

Cập nhật: 14-05-2011 | 00:00:00

Chiều 13.5, bác Nguyễn Văn G (58 tuổi, ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đã được xuất viện về nhà sau ca ghép tim tại BV Việt - Đức.

Nhớ lại lúc chia tay chồng bước vào ca mổ cách đây 1 tháng, bác Dương Ngọc T (52 tuổi) lại rưng rưng: “Khi ấy, tôi ôm hôn ông ấy mà tưởng như đó là lần cuối gặp nhau. Biết đâu có ngày hôm nay, ông ấy lại có thể ngồi cạnh tôi đây, trò chuyện, hàn huyên với nhau”.

Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh (giữa) chia tay và dặn dò bác G cách chăm sóc bản thân sau khi ghép.  Điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh (giữa) chia tay và dặn dò bác G cách chăm sóc bản thân sau khi ghép.

Trở về từ cõi chết Tròn một tháng sau ca mổ đã hồi sinh lại cuộc sống ấy, hai bác đón chuyến tàu 6h chiều về quê, bịn rịn chia tay các bác sĩ, điều dưỡng khoa Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch. Đối với bác T một tháng ở đây chăm sóc chồng sau ca phẫu thuật chứa chất biết bao kỷ niệm. Chiều 15.4, sau khi kíp phẫu thuật thông báo đã kết thúc ca mổ, bác T còn chưa tin. Đến hôm sau, khi báo chí và đài truyền hình đưa tin về ca mổ mà bệnh nhân ghép ở Hải Phòng, gia đình ở nhà xem mà không tin nổi. Người thì đang cầm bát làm rơi xuống sàn, người chạy vấp ngã. Còn bác T thì không nói được gì, trên khuôn mặt hốc hác của người vợ đã hơn 4 năm nâng giấc cho người chồng bị bệnh tim chỉ tràn nước mắt. Sau ghép, bác G phải hoàn toàn cách ly để đảm bảo vô trùng cho vết mổ. Phải đến 2 tuần sau, vợ chồng mới được đoàn tụ qua... tấm kính phòng bệnh. Cả hai không nói được với nhau câu nào, nhưng bác G cảm nhận được hết ánh mắt trìu mến, ấm ấp của người vợ: “20 năm tôi bị bệnh khớp, 5 năm bị bệnh tim, những tháng trước mổ hầu như không ăn uống, đi lại được. Lúc ấy, tôi biết mình đã có hy vọng sống, nhưng tôi không thể sống được đến hôm nay nếu không có bà ấy ở bên”. Những ngày điều dưỡng, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch Nguyễn Xuân Vinh “nịnh” để bác G ăn sữa, ăn cháo, bác T nhìn mà nghĩ có thể ở nhà, các con cũng khó thể chăm sóc cha như vậy. Hôm nay (14.5), điều dưỡng Vinh cũng sẽ đến nhà bác G ở Hải Phòng để xem điều kiện sinh hoạt ở nhà có phù hợp với cuộc sống mới của bác G. Sau ca mổ, bác G phải thường xuyên sử dụng thuốc chống thải ghép. Bác cần có chế độ sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ, thậm chí ý thức về việc rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với nước sôi, tránh va chạm, xước xát bởi từ những vết xước nhỏ có thể dẫn đến nhiễm trùng, dẫn đến quả tim thải ghép khỏi cơ thể mới. Anh Vinh nói đùa: “Nếu bắt bệnh nhân ghép tạng cứ suốt ngày ở ru rú trong nhà, hạn chế tiếp xúc với người ngoài để tránh nhiễm trùng, không được tham gia các sinh hoạt chung thì cuộc sống thể chất của họ dù có được kéo dài về thời gian cũng sẽ rất hạn chế về tinh thần. Vì thế, chúng tôi cần tư vấn cặn kẽ để họ duy trì được sức khỏe tốt và sống cuộc sống vui vẻ, có chất lượng. Những thói quen mà có thể trước kia là bình thường, nhưng giờ đây, họ gần như phải tập dần thích nghi với những nếp sinh hoạt khoa học hơn”. Nhớ lại lúc trước lên bàn mổ, bác G cũng xác định cho mình: “Kết quả siêu âm tim lần cuối cùng cho thấy, quả tim đã hầu như hỏng hết, chỉ còn được 20%. Nếu không thành công, tôi cũng thấy mình đã may mắn có một cơ hội phục vụ cho khoa học, để có thể những bệnh nhân tim khác được ghép thành công”. Vì thế, giờ tôi nghĩ không chỉ sống cho mình, cho gia đình mình, mà còn vì đó là cách cảm ơn sự tận tụy của bác sĩ, điều dưỡng ở đây tốt nhất”. Anh Th - một người bị suy tim, người đáng lẽ đã được ghép, nhưng gia đình người cho từ chối vào “phút 89” nên đã không thực hiện được - vừa mất hôm qua (13.5). Bác T nhớ lại hôm ấy, anh còn đến chúc mừng cho chúng tôi: “Đấy, bác ấy được ghép rồi đó. Nếu không phải là cháu không cùng nhóm máu của người cho thì không đến lượt bác ấy đâu, nhưng giờ thế cháu mừng cho bác lắm lắm”. Hụt hẫng vì những cái lắc đầu “phút 89” PGS - TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực, BV Việt - Đức - cho biết: “Với một ca ghép tạng bình thường, bệnh nhân có thể ra viện sau 2 tuần. Tuy nhiên, đây là ca phức tạp, thể chất bệnh nhân trước ghép rất kém, nên BV giữ lại thêm để theo dõi. Lúc đó, bác G suy tim ở giai đoạn nguy kịch, có nguy cơ đột tử cao. Bệnh nhân đã mất ngủ hằng tháng, bỏ ăn, tinh thần suy sụp nặng nề, nên chỉ 1 tháng đã sụt 16kg, phải nằm liệt giường và không thể nói chuyện quá 10 phút. Ngoài ra, bác còn bị suy thận độ 2. Đến giờ, 3 vấn đề sức khỏe lớn nhất của bác G đã ổn định. Quả tim mới ghép đã có chức năng co bóp bình thường. Quả thận bị suy do ảnh hưởng của tim đã phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân đã đi lại được bình thường”. Theo tính toán sơ bộ, chi phí ghép khoảng 1 tỉ đồng, bệnh nhân sẽ được miễn phí, bởi đây là ca ghép trong một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Sau đây, mỗi tháng, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thuốc chống thải ghép với chi phí 5 - 10 triệu đồng/tháng. Tới đây, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu nói trên, BV sẽ tiếp tục ghép miễn phí cho 2 trường hợp. Sau này, khi ghép tim đã trở thành thường quy, chi phí cho mỗi ca ghép cũng khoảng 500 - 700 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn - vốn không phải là điều mới mẻ - là không có người cho tạng, vẫn là trở ngại lớn nhất. Mỗi ngày tại BV có 5 - 7 ca chấn thương sọ não, tử vong, phần lớn họ xin về. Có những trường hợp mà thân nhân đã đồng ý cho tạng, người chết não qua giai đoạn hồi sức, khám lâm sàng, được đưa vào phòng mổ, nhưng rồi họ lại thay đổi ý kiến. Những lúc ấy, các BS ở BV không tránh khỏi hụt hẫng. Tuy nhiên, vì đã xác định đây là vấn đề tác động vào nếp nghĩ rất lâu đời nên cũng không thể nóng vội. Trong số các bệnh nhân tim cần được ghép, hiện tại BV Việt - Đức đã đưa vào danh sách chờ gồm hơn 10 người bị bệnh cơ tim dãn. Những người bị bệnh này, nếu được ghép sẽ có thể tiên lượng ghép tốt hơn, quá trình hậu phẫu đơn giản hơn nên được lựa chọn trước. Trong số hơn 10 người ấy, chỉ vài tháng qua đã có 2 - 3 ca không trụ được qua thời gian chờ đợi.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên