Vận chuyển hành khách đường thủy vẫn tiềm tàng nguy cơ!

Cập nhật: 27-05-2011 | 00:00:00

Áo phao được vắt ở trên thành, treo từng đống ở khoang máy hay trên đò có gần 20 người nhưng chỉ có 5 chiếc phao cứu hộ. Thế nhưng, những con đò được trang bị theo kiểu đối phó như thế cứ vun vút băng qua dòng nước chảy xiết trên sông Sài Gòn giữa Bình Dương và Củ Chi (TP.HCM).

  Áo phao để trong khoang máy trên đò tại bến đò An SơnSáng qua (26-5), chúng tôi có mặt tại các bến đò An Sơn (TX.Thuận An), bến đò Phú Cường (TX.TDM) cách không xa địa điểm xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký làm 16 người chết vào tối 20-5. Đây là 2 bến đò hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm đưa khách qua lại giữa Bình Dương và Củ Chi. Mua vé để qua bên bờ phía Củ Chi, bước lên đò chúng tôi không được hướng dẫn phải đứng ở đâu cho an toàn ngoài tiếng quát của người lái đò: “Đứng gọn vào trong”. Trên con đò hai bên thành được treo khoảng gần 10 áo phao và 2 chiếc phao cứu hộ nhỏ nhắn. Không một hành khách nào mặc áo phao mà chỉ đứng dựa vào đó. Chúng tôi liên tưởng nếu khi xảy ra sự cố, nhiều khả năng xảy ra trước tiên là việc hành khách sẽ tranh giành áo phao vì trên mỗi chiếc đò có từ 20 đến 40 người, nhưng chỉ có khoảng hơn chục chiếc áo phao. Thậm chí như chiếc đò mang số hiệu SG-0883 sáng ngày 26-5, tại bến Phú Cường có gần 20 người (tải trọng của đò là 30 người) nhưng chỉ có 3 phao cứu hộ nhỏ và 2 áo phao. Trường hợp các áo phao được treo thành từng đống ở khoang máy như trên tàu SG-3618 (bến đò An Sơn, trưa ngày 26-5) nếu như sóng to, gió lớn kèm theo mưa khi xảy ra tai nạn thì hành khách rất khó có thể tiếp cận áo phao một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, qua quan sát của chúng tôi tại một số bến đò ngang chở khách qua sông Đồng Nai (giữa Bình Dương và Đồng Nai) trên địa bàn xã Thạnh Phước và thị trấn Thái Hòa, thuộc huyện Tân Uyên cho thấy tình trạng đối phó cũng diễn ra tương tự. Hành khách không mặc áo phao. Số áo phao, phao cứu hộ ít hơn nhiều lần so với số hành khách trên tàu và tải trọng của tàu. Gần một tuần sau khi xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký, UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra các phương tiện đường thủy chở khách và các bến thủy nội địa. Thế nhưng việc kiểm tra đến thời điểm này của các cơ quan chức năng vẫn chưa “nhúc nhích”. Một số bến đò tự ý thức và tìm cách đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng (có thể diễn ra) đã mua, trang bị thêm một số áo phao, phao cứu hộ điều đó cho thấy việc trang bị và bảo đảm sự an toàn cho hành khách khi qua sông chưa được các chủ đò coi trọng.

Theo nội dung Chỉ thị số 13 ngày 24-5-2011 của UBND tỉnh cho thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện đường thủy không có bằng lái, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật. Hành khách đi trên tàu không được trang bị áo phao... đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đường thủy và các huyện, thị tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

TÂM THƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên