Vẫn còn nhiều khó khăn

Cập nhật: 24-05-2012 | 00:00:00

Tại Bình Dương, Tổng cục Môi trường vừa tổ chức hội thảo quan trắc môi trường (QTMT) lần thứ ba - QTMT tự động, liên tục. Tại đây, thực trạng hoạt động QTMT trong thời gian qua đã được đánh giá trung thực, đồng thời tìm giải pháp để thời gian tới hoạt động tốt hơn.

Đầu tư xây dựng hệ thống trạm quan trắc nước thải tự động góp phần bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Ông Nguyễn Văn Thùy, quyền Giám đốc Trung tâm QTMT - Tổng cục Môi trường, cho biết thời gian qua, công tác QTMT đã được quan tâm hơn. Cụ thể là cơ sở pháp lý cho hoạt động QTMT ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; nhân lực hoạt động QTMT ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; công nghệ QTMT được cập nhật... Đến nay có 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập Trung tâm QTMT với những tên gọi khác nhau. Như vậy, phạm vi quan trắc (QT) được mở rộng. Ngoài việc tăng điểm, tần suất, thông số từ 4 - 12 lần/năm đối với các chương trình QT được thực hiện bởi Trung tâm QTMT, công tác QT ô nhiễm xuyên biên giới cũng được đầu tư như lắp đặt các trạm QT nước xuyên biên giới tại Lào Cai (trên sông Hồng), An Giang (trên sông Mê Kông). Loại hình QT đa dạng hơn gồm nền, tác động, phát thải, đặc biệt là hoạt động phát thải đã được chú trọng hơn. Công nghệ, kỹ thuật QTMT ngày càng đa dạng.

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, công tác QTMT còn nhiều hạn chế. Theo ông Thùy, vẫn còn thiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực như QT, phân tích, kiểm định - hiệu chuẩn, chế độ - chính sách... Nhiều bộ, ngành cùng tham gia hoạt động QTMT quốc gia nên gây khó khăn trong công tác phối hợp, quản lý. Về công nghệ - kỹ thuật, trang thiết bị QT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều trạm QT được đầu tư, lắp đặt nhưng việc duy trì, vận hành chưa thực sự tốt... Đặc biệt nguồn nhân lực là một hạn chế cấp bách cần nhanh chóng khắc phục. Hiện lực lượng cán bộ làm công tác QTMT thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Họ chưa được đào tạo nâng cấp chuyên môn, cập nhật phương pháp quản lý tiên tiến...

Chia sẻ những khó khăn, hạn chế này, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Giám đốc Trung tâm QTMT Bình Dương cho biết tháng 7-2011, Bình Dương chính thức đi vào hoạt động hệ thống QT nước thải tự động được lắp đặt cho 21 trạm QT ở 17 khu công nghiệp và 4 doanh nghiệp có nguồn thải lớn. Trong đó, có camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho 21 trạm và 6 trạm đo online có thể đo nhanh và liên tục các thông số COD, TSS, pH, EC và lưu lượng của nước thải. Sau một thời gian hoạt động, hệ thống gặp không ít khó khăn, đó là chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì tương đối lớn; yêu cầu đội ngũ nhân viên có trình độ trên nhiều lĩnh vực như môi trường, tự động hóa, điện - điện tử; tính chất thải tại các KCN thay đổi thường xuyên nên tốn nhiều thời gian cho công tác vệ sinh, kiểm tra, hiệu chuẩn...

Ông Ngô Thành Đức, Trung tâm QT và phân tích Môi trường TP.HCM, còn cho biết trải qua 12 năm quản lý, vận hành hệ thống QT chất lượng không khí tự động, liên tục, cái khó lớn nhất chính là nhân sự. Thiếu nhân sự nên dẫn đến việc nhân viên phải kiêm nhiệm, nguồn nhân sự chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu về quản lý, bảo trì bảo dưỡng hệ thống QT...

Chính vì thế tại hội thảo, Trung tâm QTMT - Tổng cục Môi trường đưa cho nhiều định hướng cho thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thùy đã đề ra các giải pháp, xem đây là việc làm cấp bách để đưa QTMT ngày càng hoàn thiện. Trước tiên, trung tâm sẽ kiện toàn bộ máy, tổ chức quản lý và vận hành mạng lưới; tăng cường, mở rộng hoạt động QTMT ở các lưu vực sông, khu kinh tế trọng điểm và các vùng nhạy cảm, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thu Thảo

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên