Vấn đề phát triển đảng viên mới tại các doanh nghiệp: Tổ chức công đoàn cần cơ chế hợp tác

Cập nhật: 20-09-2010 | 00:00:00

Trong thời gian qua, công đoàn (CĐ) với công tác phát triển đảng viên (ĐV) trong doanh nghiệp (DN) đã đạt được những kết quả khá khả quan, nhiều CĐ viên ưu tú đã được tổ chức này xem xét và giới thiệu vào Đảng, góp phần xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong DN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với tổ chức CĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần có cơ chế hợp tác.

Kết quả bước đầu

Hiện CĐ các KCN tỉnh Bình Dương đang trực tiếp chỉ đạo hoạt động ở 285 công đoàn cơ sở (CĐCS) ngoài quốc doanh, trong đó có 225 CĐCS  ở DN có vốn đầu tư nước ngoài, với khoảng 79.000 đoàn viên CĐ/tổng số khoảng 140.000 lao động. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong các DN ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài của Tỉnh ủy, bắt đầu từ tháng 5-2009 các ĐV đang công tác tại cơ quan CĐ các khu công nghiệp (KCN) được chuyển về sinh hoạt và thành lập chi bộ CĐ trực thuộc Đảng bộ khối DN.

  Công nhân lao động trong các doanh nghiệp rất ít thời gian rảnh rỗi, vì thế để tổ chức công đoàn hoạt động tốt cần phải có sự thông hiểu và tạo điều kiện của Ban giám đốc

Mặc dù mới hơn một năm kể từ khi được thành lập chi bộ CĐ các KCN nhưng công tác bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ CĐ tiêu biểu cho Đảng đã có được những chuyển biến tốt. Tính đến nay, chi bộ CĐ các KCN đã giới thiệu được 196 đoàn viên CĐ ưu tú đi học các lớp nhận thức về Đảng, kết nạp mới 11 ĐV và tiếp nhận chuyển đến sinh hoạt 4 ĐV. Tổng số ĐV đang sinh hoạt tại chi bộ này hiện nay là 21 đồng chí, ngoài ra trong các KCN trực thuộc còn có 8 cơ sở Đảng với 120 ĐV. Qua đó có thể thấy, Ban Chấp hành CĐ ở các DN này cũng thực hiện khá tốt vai trò của CĐCS trong công tác tham gia phát triển Đảng.

Tại Đại hội Đảng bộ khối DN lần thứ V vừa diễn ra, ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh nhận xét, các đồng chí ĐV mới được kết nạp, các quần chúng ưu tú ở các DN đã thể hiện tốt tính tiên phong, gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia hoạt động các phong trào ở DN. Qua đó, đã tạo sự tín nhiệm của tập thể, của người sử dụng lao động và là động lực để DN tạo điều kiện cho người lao động phấn đấu vào Đảng.

Những khó khăn cần cơ chế hợp tác

Bên cạnh những thuận lợi và nỗ lực của các tổ chức CĐ để có được kết quả trên sau một thời gian xác định là nhiệm vụ trọng tâm thì công tác phát triển Đảng vẫn vướng những khó khăn nhất định. Theo ông Nhân, người lao động trong các DN ngoài quốc doanh thường xuyên biến động, thay đổi chỗ làm mới, thậm chí chuyển đi làm việc tại địa phương khác trong đó có cả đoàn viên, công nhân lao động đã trải qua lớp bồi dưỡng, nhận thức về Đảng. Vì thế, công tác tạo nguồn, theo dõi và phát triển ĐV bị ảnh hưởng khá nhiều. Trong khi đó, phần đông đối tượng là người lao động được xem xét kết nạp Đảng là người ngoại tỉnh, chỗ ở không ổn định nên rất khó khăn trong công tác thẩm tra lý lịch và lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của của cấp ủy địa phương nơi cư trú. Do con số luôn biến động nên nhiều CĐCS chưa xây dựng được chương trình, nội dung hoạt động cụ thể, chất lượng hoạt động còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến việc quan tâm bồi dưỡng CĐ viên ưu tú cho Đảng.

Yếu tố quan trọng nữa là còn khá nhiều DN mà Ban giám đốc chưa hiểu về Đảng hoặc không quan tâm nên không tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ĐV và từng bước thành lập cơ sở Đảng tại các DN này. Điều này kéo theo việc triển khai học tập các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng đến đoàn viên CĐ và người lao động còn rất khó. Thêm vào đó, nội dung học tập cũng chưa được biên soạn phù hợp với đặc điểm công nhân lao động trong các DN ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài. Một hạn chế nữa cũng được ông Nhân nhắc tới là bộ máy chuyên trách CĐ các KCN hiện chỉ có 7 biên chế trực tiếp chỉ đạo hoạt động ở 285 CĐCS ngoài quốc doanh nên chưa thể hiệu quả, chưa đầu tư được nhiều thời gian cho công tác xây dựng và phát triển Đảng tại các DN. Cùng với đó, nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng còn hạn hẹp nên điều kiện để triển khai sâu rộng các chương trình, hoạt động của chi bộ đến với những cơ sở CĐ, người lao động chưa được thuận lợi...

Để thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển ĐV tại các DN, theo ông Nhân thì cần có kế hoạch cụ thể trong thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt là quan tâm giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động trong các KCN; vận động các DN bố trí thời gian hợp lý cho công nhân được học tập nội dung cơ bản của nghị quyết nói trên, triển khai sâu rộng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần biên soạn nội dung những bài học chính trị cơ bản, các chủ trương nghị quyết phù hợp với đặc điểm, điều kiện làm việc của công nhân và đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền qua 3 bảng thông tin CĐ và truyền thanh nội bộ tại DN. Có thể nghiên cứu thí điểm hình thức tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh tại các KCN. Hàng năm cũng cần tổ chức giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo Đảng các cấp với cán bộ CĐ tiêu biểu để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của công nhân lao động, từ đó có giải pháp phù hợp hơn trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong DN...

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên