Vất vả vì mưu sinh

Cập nhật: 25-05-2010 | 00:00:00

Cô Thơm đang tranh thủ bươi tìm cái chai , bịch ni- lông, lon nhựa ở thùng rác để bán kiếm tiềnHọ tranh thủ bữa cơm cho thật nhanh, để còn đi bươi tìm ở những thùng rác bẩn thỉu, những thứ có thể bán được. Đó là một ngày lao động vất vả của họ. Công việc của những người này là chuyên sống bằng nghề bươi rác. Cái nghề được coi là dơ bẩn, dễ mắc bệnh và thu nhập cũng chẳng được là bao. Cái nghề không ai muốn chọn, nhưng không ít người đã đeo bám nó, cũng chỉ vì mưu sinh cuộc sống...

Trên mọi nẻo đường...

Hàng ngày, công việc của những người bươi rác là tìm đến những điểm tập kết rác. Họ bươi rác ra, tìm những thứ mà người ta bỏ đi. Nhặt lại từng cái chai nhựa, túi ni-lông hay phế liệu... những thứ mà họ có thể bán ve chai được. Vậy mà, đây lại chính là nơi họ có thể kiếm thu nhập của không ít người sống bằng nghề bươi rác, gom rác tìm phế liệu...

Dưới cái nắng của trưa hè, như thiêu đốt, mùi hôi thối bốc lên từ thùng rác, cô Nguyễn Thị Thơm, 54 tuổi, quê ở Trà Vinh, cứ cặm cụi bươi trong thùng rác để kiếm từng bọc ni-lông, từng vỏ nhựa, từng mảnh sắt vụn... Nhìn chung, hễ cái gì kiếm được bán có tiền là cô tranh thủ nhặt hết. Gia đình nghèo, con cái đã có cuộc sống riêng, nhưng cũng không khá giả gì hơn. Bản thân đã có tuổi, không tìm được việc làm. Do đó, cô đành kiếm tiền bằng cách bươi rác. Mỗi ngày cô cũng kiếm được khoảng 20.000 đồng. Cô Thơm tâm sự: “Tôi cũng biết đi kiếm tiền bằng cách này là dễ bị mắc bệnh. Nhưng biết làm sao được, không làm thì lấy tiền đâu ra mà ăn”.

Họ luôn phải sống trong không khí ô nhiễm để đổi lấy vài chục ngàn mỗi ngày. Họ, đa phần là những người dân nhập cư, không có trình độ văn hóa, đời sống khó khăn, không có việc làm ổn định. Tài sản quý giá nhất của họ là sức lao động. Bác Hiếu, đã hơn 60 tuổi, vậy mà lúc nào cũng thấy bác quanh quẩn những thùng rác tìm những gì có thể bán lấy được tiền. “Cái nghề bươi rác này cũng vất vả lắm. Tôi cũng biết nó vừa mất vệ sinh, dễ mắc bệnh. Nhưng, cũng nhờ vào nó mà hàng ngày tôi không bị đói, bị khát. Có ít tiền trang trải trong cuộc sống”, bác Hiếu cho biết.

Tất cả vì mưu sinh

Quả thật, chẳng ai muốn ngày nào cũng đối mặt với bẩn thỉu và mùi hôi thối của rác. Nhưng vì cuộc sống, họ đã sống bằng nghề nhặt rác để kiếm sống qua ngày. Và bãi rác là nơi đã nuôi sống không ít họ... Chị Thanh (quê Thanh Hóa), vào nghề này đã được hơn 1 năm. Ở quê vất vả với công việc đồng áng, mà chẳng kiếm được bao nhiêu. Nhưng với công việc này, mỗi ngày chị cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Công việc của chị chỉ quanh quẩn những điểm tập kết rác, tìm những mảnh sắt vụn, chai nhựa bỏ đi. Chị nhặt lại rồi đem bán ve chai lấy tiền. Chị tâm sự: “Khi vào nghề, chị nghe mùi thối của rác là chịu không nổi, muốn buồn nôn ra. Nhưng dần dà chị cũng quen với cái mùi khó chịu này”. Bên cạnh đó, họ cũng đã len lỏi trong từng ngõ nhà, góc phố để nhặt nhạnh rác thải người ta bỏ đi để kiếm sống. Cũng chính từ công việc hàng ngày phải nhặt những gì người ta thải bỏ nên họ cũng đã góp phần làm cho đường phố sạch, đẹp hơn.

Môi trường ở những bãi rác đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của những người sống bằng nghề bươi rác. Nhưng, tất cả cũng chỉ vì lo toan cho cuộc sống, họ phải đương đầu sống chung với rác.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên