Về An Sơn mùa này…

Cập nhật: 11-06-2019 | 09:52:23

Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng đến với địa danh An Sơn (TX.Thuận An), nơi có vườn măng cụt đang vào mùa trái chín và đình thần ghi dấu tích thời gian…

Đường chính dẫn về xã nông thôn mới An Sơn, đường giao thông đến các ấp được tráng nhựa sạch đẹp. Ở đây vẫn còn những vườn cau, vườn cây ăn trái lâu năm xanh ngát. Có được những thành tựu ấy là nhờ sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân xã An Sơn phấn đấu dựng xây trong nhiều năm qua.

Măng cụt An Sơn nổi tiếng không thua gì măng cụt Lái Thiêu. Thổ nhưỡng của vùng đất này phù hợp với các loại trái cây như: Măng cụt, dâu, bòn bon, sầu riêng… Bạn có thể ghé thăm vườn, nghỉ ngơi dưới bóng mát cây trái rồi mua trái cây mang về làm quà tặng. Chị Mỹ Linh, một người dân ở đây cho biết trong thời gian diễn ra lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, măng cụt chín không kịp bán! Măng cụt hái xuống bán tại vườn. Mỗi vườn khoảng vài chục kg và thương lái tìm mua tận nơi.

Về đây, bạn hãy ghé thăm đình thần An Sơn. Đây là ngôi đình được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2941/QĐ-UB ngày 4-7-2005. Ngôi đình nằm cách biệt với xóm thôn, có đường dẫn đến đình riêng biệt. Xung quanh đình có nhiều kênh rạch chằng chịt, các vườn cây trái sum suê. Địa thế này ngày xưa rất thuận lợi cho việc lập căn cứ kháng chiến. Theo sử liệu ghi lại, các xã An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm, Hưng Định (ngày xưa) là căn cứ kháng chiến đầu tiên của Thủ Dầu Một và tỉnh Gia Định ngay từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

Theo lời kể của người giữ đình An Sơn, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình trở thành căn cứ kháng chiến của tỉnh với tên gọi là “chiến khu An Sơn”, là nơi dừng chân của các lực lượng kháng chiến miền Đông Nam bộ. Tới thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình An Sơn là trạm y tế tiền phương, nơi tập kết của lực lượng vũ trang tiến đánh Sài Gòn, thương binh từ mặt trận được chuyển qua sông Sài Gòn đưa về đây chăm sóc. Dù địch lùng sục càn quét, cấm tụ họp, cúng đình nhưng không khuất phục được tinh thần yêu nước của nhân dân An Sơn, họ vẫn bám đất, bám làng hoạt động cách mạng.

Lịch sử của ngôi đình An Sơn được ghi lại như sau: Từ năm 1935-1964, nhân dân trong làng xây dựng đình bằng vôi gạch. Từ năm 1964-1975 chiến tranh, Mỹ - ngụy phá hoại, đình đã nhiều lần được tu sửa nhưng tới năm 1989, người dân An Sơn mới tái thiết và bảo tồn ngôi đình làng cho đến ngày hôm nay. Về đình An Sơn, chúng ta còn thấy bóng dáng của làng quê với bến nước, sân đình như những ngôi làng hiền hòa trên đất nước này.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên