Về miền cao su

Cập nhật: 24-09-2011 | 00:00:00

Kỳ cuối: Chung tay chống trộm

>>> Kỳ 1: Phận đời thợ cạo

Bị trộm, bị phá nhiều quá, người nông dân đâm ra rất lo. Họ bắt đầu tổ chức việc chống trộm, ban đầu là “của ai nấy lo”. Thấy được mức độ táo bạo và sự hoành hành của kẻ trộm ngày một tăng cao, các hộ dân có cao su ở một số địa bàn bắt đầu hội họp, triển khai kế hoạch, chung tay cùng chống trộm. Chính quyền địa phương nhiều nơi cũng vào cuộc.

Chập chờn giấc ngủ

Chuyện người này bị đục cây, người kia bị cạo trộm... dần rồi cũng lan ra, đến tai người trồng cao su khắp Bình Dương. Một số người đã bị trộm, phá hoại giận quá, đêm nào cũng ra “canh” bọn trộm quay lại, nhiều người khác thấy hàng xóm của mình như vậy cũng kéo võng ra rẫy nằm ngủ.

 

Lực lượng bảo vệ, tự vệ NT Cao su Lai Uyên trên đường đi tuần tra

 

Những giấc ngủ của người canh trộm chẳng thể tròn trịa như người nằm trong chăn ấm, nệm êm. Hễ cứ chợp mắt được một lúc là lũ muỗi lại cứ “o... o” bên tai. Thỉnh thoảng, nghe tiếng lá CS sột soạt cũng phải thức dậy cầm đèn pin rảo một vòng, nếu không có gì thì mới ngủ tiếp. Sau một lần bị đục trộm hơn 100 cây CS mới mở miệng, ông Tuân (có rẫy bên cạnh rẫy của ông Dũng, nhân vật trong kỳ 2) và các con đêm nào cũng phải mang võng ra ngủ với muỗi. Mỗi đêm phải đốt đến 3 khoanh nhang muỗi, nhưng ông Tuân và các con cũng không tránh khỏi việc bị muỗi chích, những vết chích cũ, mới cứ chen nhau mọc lên một cách chằng chịt khắp người.

So với nhiều người khác, việc bị muỗi chích như cha con ông Tuân là điều quá đỗi bình thường. Trong một đêm đi kiểm tra rẫy vào hồi cuối tháng 5, bà Đỗ Thị Mị (vợ ông Ngôn, nhân vật trong kỳ 2) đang đi kiểm tra thì gặp một con rắn hổ mang to tướng. Lúc này, trong tay bà Mị chỉ có một cây gậy dài khoảng 60cm, so với chiều dài của con rắn thì quá ngắn. Nhìn con rắn nâng cao cổ lên rồi phì phì, bà Mị lạnh hết cả người. Lúc đó, bà Mị chỉ biết đứng yên một chỗ, cầm cái gậy ném mạnh về phía con rắn. May là cú ném của bà Mị trúng vào đầu con rắn nên nó xẹp đầu xuống. Nhân lúc này, bà Mị chạy thẳng vào nhà. Bà Mị nói: “Từ hôm đó trở đi, mỗi lần muốn ra rẫy là vợ chồng tui phải đi chung, chứ đi một mình nguy hiểm lắm”.

Những gia đình có nhiều người thì có thể cho 2, 3 người ra ngủ, tuần tra ở rẫy, nhưng với một số gia đình neo người thì rất khó. Đi canh rẫy thì mất việc nhà, ở nhà thì lại mất mủ. Nhiều lần nằm trong tình thế khó xử, vợ chồng ông Ngôn phải chia ra; một người đi canh rẫy, người còn lại thì làm việc nhà. Biết trước là có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn phải đi. Ông Ngôn kể: “Phải đi kiểm tra chứ để vậy hoài, tụi nó làm tới, tụi nó trút luôn cả mủ nước”.

Buổi sáng, thường là lúc người ta thức dậy và bắt đầu làm việc. Nhưng đối với người làm nghề CS thì đó lại là lúc họ bắt đầu giấc ngủ. Người thợ cạo thì tranh thủ ngủ một lúc để trút mủ. Với những người canh trộm, đây là giây phút ngạt thở nhất, buồn ngủ lắm nhưng không ngủ được. Bởi họ biết, kẻ trộm không chỉ hoạt động về đêm. Nhiều vùng thuộc các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng kẻ trộm thường xuyên ngồi sẵn ở ngoài lô, chờ cho công nhân đi về là chạy vào trút trọn chén mủ.

Nỗi lo của đêm chưa dứt, nay lại phải bận tâm với kẻ trộm ban ngày. Nhiều người vì phải thức đêm để canh kẻ trộm, khuôn mặt hốc hác, vết thâm quầng hiện rõ trên đôi mắt.

Chung tay chống trộm...

Quá mệt mỏi với bọn trộm, những người trồng CS ở các địa phương bàn nhau về việc chung tay chống kẻ trộm. Theo đó, những người có rẫy gần nhau sẽ hợp lại tạo thành một vành đai, họ lập ra những “cửa khẩu” kiểm soát. Với mô hình này, người dân đã tóm gọn không ít tên trộm giao cho công an.

Theo nhận định của ngành chức năng, để đối phó hành vi trộm cướp ngày càng tinh vi, cần phải có sự phối hợp tinh ý giữa chính quyền và người dân. Xã Trừ Văn Thố (TVT), Bến Cát là địa bàn giáp ranh, nhưng lại nằm trong diện địa phương an ninh, an toàn đều là nhờ vào sự kết hợp hết sức nhuần nhuyễn của quân, dân. Vụ việc ngày 15-5-2011 vừa qua, là một ví dụ điển hình cho sự đoàn kết chặt chẽ của quân dân TVT; lợi dụng lúc gia đình bà Hồ Thị Phượng đang trút mủ ở cuối lô, đối tượng Nguyễn Duy Binh (ở ấp 6, Tân Long, Phú Giáo) đã lẻn vào lô bê nguyên bao mủ nặng gần 90kg (trị giá khoảng 3 triệu đồng) bỏ lên xe chạy mất. Vừa nghe tri hô, những người trút mủ ở gần đó liền lên xe đuổi theo đối tượng. Phía lực lượng gìn giữ an ninh trật tự (ANTT) xã vừa nghe tin tức tốc chia quân ra xuống hiện trường và đuổi theo kẻ cướp. Bị cả quân lẫn dân truy đuổi, kẻ trộm sau đó đã bị bắt ở gần đoạn UBND xã An Long (Phú Giáo). Với việc phục kích và bắt giữ thành công nhiều vụ trộm mủ CS, TVT đang là “đất chết” của kẻ trộm.

Tại các nông trường, mô hình phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương đã được đưa vào thực hiện, bước đầu đã đánh bại được sự lộng hành của bọn trộm mủ. Với phương châm đề cao cảnh giác, thường xuyên đi tuần, lực lượng kết hợp giữa bảo vệ NT và tự vệ địa phương đã bắt giữ và phá thành công nhiều vụ trộm cắp, phá hoại.

Nắm bắt được lực lượng trộm cắp mủ chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, lãnh đạo Công ty Cao su Phước Hòa nhận định: Để đẩy lùi nạn trộm mủ, các doanh nghiệp phải phối hợp toàn diện với địa phương. Thực hiện giao lưu các phong trào Đoàn - Hội - Đội... Theo đó, phía Đoàn thanh niên của các nông trường sẽ kết nghĩa với các Đoàn cơ sở tại địa phương. Tuyên truyền luật pháp tới người dân, vận động người dân, làm cho người dân hiểu và không tham gia trộm cắp mủ của NT, hay của tư nhân. Đối với phía trường học, các NT đã phối hợp cùng tổ chức phong trào “Chiến sĩ an ninh nhỏ” trong các dịp hè. Tổ chức, vận động các buổi sinh hoạt tập thể có ích cho các em, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm cho các em. Một số NT còn trích hẳn những phần quà trị giá hàng trăm ngàn cho những em học sinh không tham gia trộm cắp mủ, kêu gọi bạn bè không trộm cắp mủ.

Sự kết hợp chặt chẽ của địa phương và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả khá cao trong việc phòng, chống nạn trộm cắp mủ. Tính đến cuối tháng 7, lực lượng bảo vệ thuộc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa đã bắt giữ và xử lý 288 vụ, lấy lại hơn 1.000kg mủ các loại, thu giữ 104 xe gắn máy và nhiều tang vật khác.

Với việc liên tục phá và bắt giữ thành công nhiều vụ trộm, lực lượng bảo vệ đang trở thành nỗi sợ của giới đạo chích CS. Kẻ trộm nhiều phen bị bắt, chúng đâm ra tức tối, tìm mọi cách để trả thù, thậm chí chúng còn dùng hung khí tấn công lại khi đồng bọn bị bắt. Ngày 10- 1-2011, trong lúc trộm mủ ở lô NT Cao su Hưng Hòa, thấy đồng bọn bị lực lượng bảo vệ NT bắt giữ, Nguyễn Văn Vàng đã tiến tới dùng mã tấu chém bảo vệ để giải thoát cho đồng bọn. Trộm cắp lẻ tẻ không được, kẻ trộm còn thành lập cả những biệt đội chuyên biệt; trong đó, có một nhóm sẽ đi trộm mủ, nhóm khác làm bảo kê. Ngày 6-6-2011 vừa qua, trong lúc tuần tra làm nhiệm vụ, bảo vệ Phạm Huy Vương (thuộc lực lượng bảo vệ NT Tân Hưng) truy đuổi 2 đối tượng trộm mủ đã bị một nhóm người chặn đánh. Vụ chặn đánh đã làm cho bảo vệ Vương bị thương ở phần đầu, tay, chân; chiếc xe máy tuần tra cũng bị phá nát.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên