Vi chất dinh dưỡng là gì?

Cập nhật: 06-10-2010 | 00:00:00
Ngoài năng lượng, thực phẩm còn cung cấp cho chúng ta một yếu tố hết sức quan trọng đó là các vi chất dinh dưỡng (VCDD). Các VCDD là những chất tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, mô, tham gia vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, tham gia xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương... Đây cũng là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoocmon, các dịch tiêu hóa... Có khoảng 90 các VCDD khác nhau cần thiết cho cơ thể, chúng được chia thành các nhóm như sau:

- Các acid amin: Đặc biệt là 8 acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được bao gồm: Methionin, Tryptophan, Treonin, Isoleucin, Leucin, Lysine, Valin và Phenylanine. Đối với trẻ em thì Histidin cũng là acid amin thiết yếu.

- Các acid béo: Dòng Omega 6 (n-6): Linoleic, Gamma linoleic, Dihomo gamma linoleic, Archidonic, Prostaglandin series 1 và 2, Leucotriene series 3 và 4. Dòng Omega 3 (n-3): Alpha linoleic, Eicosapentanoic, Docohexaenoic, Prostaglandin series 3, Leucotrieme series 5. Trong đó tỷ lệ n-6/n-3 nên vào khoảng 4/10.

- Các vitamin: Liều lượng tùy theo nhu cầu khuyến nghị của Tổ chức dinh dưỡng thực phẩm thế giới (RDA) hoặc gia tăng trong các trường hợp thiết yếu. Các vitamine tan trong nước bao gồm: B1, B2, B6, B12, Niacin, Acid Folic, Acid Pantothenic, Biotic, Inostinol và vitamine C. Nhóm này không có dự trữ trong cơ thể nên cần phải bổ sung hàng ngày.

- Các vitamine tan trong dầu mỡ: Vitamine A, D, E và K. Các vitamine này có dự trữ trong cơ thể, tuy nhiên cũng cần được bổ sung từ thức ăn.

- Các chất khoáng: Rất quan trọng cho cơ thể, có 2 nhóm khoáng: Khoáng đa lượng: Na, K, Cl, Ca, P và Mg. Khoáng vi lượng: Fe, L, F, Co, Cu, Mn, Cr, Se, Zn, Mo và Al.

- Các chất xơ: Gồm nhiều loại khác nhau. Nhóm thứ nhất là các xơ hòa tan hay còn gọi là vi xơ, xơ hoạt hóa có tác dụng kích hoạt tế bào, thải độc, kháng gốc tự do, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Nhóm thứ hai là các xơ không hòa tan còn gọi là xơ đại thể rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa, tạo phân, chống táo bón và điều chỉnh các rối loạn trên đường tiêu hóa. Càng ngày các nhà khoa học càng phát hiện thêm nhiều vai trò quan trọng của chất xơ đối với cơ thể. Khi thừa các VCDD, hầu hết các VCDD khi thừa trong cơ thể chúng được đào thải theo nhiều con đường ra ngoài (nhiều nhất là theo con đường nước tiểu). Nhưng có một số các VCDD trong cơ thể sẽ bị tích lũy và gây nên một số biến chứng nguy hiểm. Ví dụ như: thừa vitamine A sẽ gây tổn thương võng mạc mắt, thừa vitamine C có thể lắng đọng thành sỏi Oxlat, thừa Fe gây ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ... Tuy nhiên, hiện tượng này thường chỉ xảy ra do việc lạm dụng thuốc chứa các vi chất nói trên. Việc dùng thực phẩm giàu các VCDD hàng ngày không gây nên tình trạng tương tự.

Khác với tình trạng thừa, thiếu các VCDD là một hiện tượng khá phổ biến và gặp ở nhiều người bình thường, càng nặng nề ở những đối tượng như: đang bị bệnh lý, chấn thương, nhiễm khuẩn, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em tuổi đang phát triển, người ăn kiêng, người gầy yếu suy kiệt, người thừa cân, béo phì...

BS. PHẠM CÔNG CHÁNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên