Vì con...

Cập nhật: 08-02-2012 | 00:00:00

Có nhiều đôi vợ chồng mưu sinh xa quê. Với họ, những vất vả hôm nay là để lo cho con sau này. Họ luôn kỳ vọng vào con cái, mong đời nó sẽ sung sướng, hạnh phúc hơn mình...

Vợ chồng cùng làm chân nhang         

Xóm nhang ở Dĩ An (khu phố 2, TX.Dĩ An) “đón” vợ chồng chị Bùi Thị Thu Thủy và anh Phan Tấn Đạt (quê Vĩnh Long) hơn 10 năm nay. Chị Thu Thủy kể: “Ngày trước, cũng như những đôi vợ chồng trẻ chưa có công ăn việc làm gì khác, chúng tôi tìm đến Bình Dương coi có ai thuê gì làm nấy. Học vấn thấp, không xin được việc làm trong công ty nên chúng tôi thuê nhà trọ ở rồi đi tìm việc suốt ngày. Cứ nghĩ mình siêng năng sẽ được trả công xứng đáng để lo cho con cái ăn học nên người là... bớt nản chí! Cuối cùng... lọt vào xóm nhang này đây và cả 2 vợ chồng gắn bó với nghề cả chục năm rồi”. Chị Thu Thủy vừa trò chuyện vừa đưa tay chỉ về phía chồng đang bó từng bó chân nhang ở gần đó giới thiệu: “Ông xã tui đó, hiền lành, biết lo cho vợ con lắm!”. Nghe chị khen chồng, mấy người làm công cùng cơ sở nhang cười trêu làm chị thẹn đỏ mặt...

 Chị Thu Thủy đã gắn bó với nghề nhang ở Dĩ An 10 năm nay

Anh Đạt cũng siêng năng cần cù như vợ. Theo đôi vợ chồng này thì “ngồi riết ở đây làm nhang vậy cũng hay, khỏi đi đâu rồi... lo vợ, chồng mình giờ này đi đâu, làm gì?”. Với sự chịu khó, chắt chiu đó, họ làm việc ngày này qua ngày khác. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng được tính theo sản phẩm và “dao động” từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm đến mức có thể cho chi tiêu hàng ngày, anh chị gửi tiền về quê lo cho đứa con đang học lớp 7. Hỏi anh chị có thấy mệt mỏi gì không khi ngồi làm nhang cả ngày thế, họ lại cười tươi: “Làm lo cho con mà, mệt gì em! Nghĩ đến con được cắp sách đến trường, được học hành tử tế là vui và hết mệt liền à”...

Và vợ công nhân, chồng giao hàng

Mấy năm trước, đôi vợ chồng Phong - Trang (quê Cần Thơ) cũng lận đận với công việc. Nhà không có đất ruộng, hai vợ chồng bàn nhau hùn vốn nuôi vịt thả đồng. Không “mát tay” nên vịt cho ít trứng rồi gặp bệnh dịch hoài. Thế là những đồng vốn sau ngày cưới cứ lần lượt đội nón ra đi.

Không lẽ ở không ăn bám ba mẹ? Nghĩ thế, 2 vợ chồng lại bươn bả lên Bình Phước, đến ở nhà người bà con để hái điều, lột hột điều. Ai thuê gì làm nấy nhưng cũng có ngày... ngồi không vì ít việc. Làm thuê riết cũng chỉ đủ lo cái ăn. Rồi đứa con đầu lòng ra đời, chị Trang nghĩ mình phải làm sao có công việc ổn định bởi “mình sao được, con thiếu thốn tội nghiệp lắm”! Với ý nghĩ vì con, cho con này nên khi con đã đi học mẫu giáo, Trang gửi cho mẹ nhờ trông nom giúp và 2 vợ chồng lại tiếp tục lên Bình Dương lập nghiệp.

Trang kể: “Xin việc thì dễ rồi, ngày nay xin, ngày mai đi làm thôi nhưng thể trạng của em yếu, lâu nay quen làm việc ở môi trường tự do bên ngoài nay buộc phải đứng trong xưởng dệt may với tiếng máy chạy ầm ầm thế là... xỉu! Chồng em hoảng quá kêu nghỉ, làm việc khác. Cuối cùng về Tân Uyên và xin vào làm công nhân may cho Công ty Poong In Vina này đây. Lương, thưởng được tăng dần dần và nay nếu tăng ca cũng hơn 3 triệu đồng/tháng”.

Chồng Trang thì lấy chiếc xe máy làm... cần câu cơm. Anh đi giao hàng, chở hàng khi có yêu cầu. Đưa mẫu đi các phân xưởng, ai thuê gì làm thêm kể cả khi rảnh rỗi thì chạy vài cuốc xe ôm. Cần cù, chịu khó, đôi vợ chồng trẻ này giờ đã biết vun vén cho tổ ấm của mình, đều đặn hàng tháng gửi tiền về cho con. Tết nay, họ cũng về thăm quê với một xách nặng toàn đồ chơi, quần áo cho con như là một đền bù cho những ngày xa con vì cuộc mưu sinh.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên