Vì đàn em thân yêu!

Cập nhật: 05-11-2014 | 08:20:54

10 năm đứng trên bục giảng, cô Phạm Thị Hường, giáo viên dạy lớp 4, trường Tiểu học Lái Thiêu (TX.Thuận An) đã để lại trong lòng biết bao lớp học trò sự quý trọng về người cô giáo hết lòng vì đàn em thân yêu.

Vốn tận tâm, tận tụy, cô Hường luôn sâu sát với mọi HS

 

 Với tình yêu thương học trò, cô đã giáo dục nhiều học sinh (HS) khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng.

Trong 3 năm học vừa qua, năm nào lớp cô Hường chủ nhiệm cũng có 1 - 2 HS khuyết tật, nhiều nhất là HS khiếm thính. Theo cô, những em HS này dễ bị tổn thương về mặt tinh thần và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Xuất phát từ sự đồng cảm với các em bị khiếm thính, ngay từ đầu cô quan tâm đến công tác dạy HS khiếm thính hòa nhập trong trường tiểu học. “Là giáo viên tiểu học với lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tụy với nghề nghiệp chúng ta phải làm thế nào để chất lượng giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong trường tiểu học ngày được nâng cao, góp phần hạn chế những khiếm khuyết để giúp trẻ vững bước vào đời, hòa nhập với cộng đồng, trở thành những người con có ích cho xã hội, cho đất nước”, cô Hường tâm sự. Quan sát một tiết học của lớp 4.1, chúng tôi thấy cô vừa bao quát HS cả lớp, vừa chú ý đến những HS khuyết tật. Đối với những em HS khuyết tật, cô nói ngắn gọn, chậm, nói đi nói lại nhiều lần, các em nhìn cô và làm theo. Để các em mở rộng mối quan hệ với bạn bè, cô xếp các em ngồi chung với những bạn bình thường để cùng hỗ trợ nhau trong học tập. Qua đây vừa bồi dưỡng cho HS lòng nhân ái, tương trợ lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ trong học tập và giúp đỡ các bạn khuyết tật hòa nhập tốt hơn.

Vừa dạy chữ cho HS, cô vừa giáo dục các em kỹ năng sống, các chuẩn mực đạo đức hàng ngày. Qua 3 năm dạy trẻ khuyết tật, cô đã rút ra nhiều kinh nghiệm giáo dục những em này. Để giúp HS khiếm thính hòa nhập tốt ở trường tiểu học, giáo viên dạy trẻ khuyết tật khiếm thính hòa nhập phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, thông tin về dạy trẻ khuyết tật khiếm thính. Cô lên kế hoạch giảng dạy và rèn luyện cho trẻ kịp thời, đúng thời gian. Giáo viên phải có lòng yêu nghề, mến trẻ, kiên nhẫn, tận tụy, tự trang bị kiến thức về tâm lý, giáo dục. Xây dựng tập thể lớp có ý thức trách nhiệm, thái độ đoàn kết thương yêu giúp đỡ những bạn khuyết tật; bố trí chỗ ngồi phù hợp cho trẻ; phát huy tối đa năng lực của trẻ…

Yêu nghề, tận tâm với học trò, những năm học qua cô Hường luôn đoạt giải trong cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi, giải thưởng Võ Minh Đức” cấp thị xã, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp TX.Thuận An và cấp tỉnh.

 

H.THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X