'Vĩ mô thì Bộ cố, vi mô nhờ đại biểu Quốc hội'

Cập nhật: 12-06-2010 | 00:00:00

Lần đầu tiên "bị" các ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh "rào đón": "Tối nay khai mạc World Cup nên Chủ tịch QH đề nghị tôi nói ngắn, trả lời ngắn, sao cho vui vẻ để chuẩn bị tinh thần xem cho hay".

  ĐB Huỳnh Ngọc Đáng: "Quốc tổ Hùng Vương đâu có thích uống rượu"

77% là game bạo lực

 

Câu hỏi mở màn của ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) về tác động của phim ảnh, trò chơi bạo lực dẫn tới sự thoái hóa, xuống cấp đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên dường như đã "khơi nguồn" cho rất nhiều ĐB tập trung vào tác hại của game online và những biện pháp quản lý còn có phần lỏng lẻo.

 

Để trả lời, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã phải viện dẫn các cuộc vận động, phong trào có tính định hướng thị hiếu, bồi dưỡng đạo đức con người từ trước tới nay đến trách nhiệm của hàng loạt bộ ngành như Thông tin - Truyền thông, Giáo dục - Đào tạo, Tài chính, Đài Truyền hình VN...

 

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định từ khi báo cáo giải trình ở kỳ họp trước, đã kiểm tra được 641 đại lý Internet, game online, kiểm tra 18 cơ sở cung cấp dịch vụ game online, đang phối hợp với Bộ VH - TT - DL và Bộ Công an dự thảo đến lần thứ 7 nghị quyết mới với những chế tài mạnh hơn.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lẽ ra cũng phải "bị" chất vấn, nhưng ông đã nhanh miệng cung cấp thêm những con số "giật mình" như 77% trò chơi trên mạng là game bạo lực, 9% game cờ bạc, nên giới trẻ có môi trường để quan sát bạo lực thường xuyên, thực hành đánh nhau, giết nhau ảo mà không chịu chế tài nào cả, tạo phản xạ rất không tốt.

 

Chưa hết, trong 1.000 học sinh đã điều tra ở 5 thành phố lớn thì 2/3 học sinh tiểu học chơi game từ 1 - 8 lần/tuần; thời gian lâu nhất đến 12 tiếng liên tục, trong khi tỷ lệ này ở trung học là 81% với thời gian chơi lâu nhất lên đến 24 tiếng, đại học là 75%.

 

Bộ trưởng chỉ chơi game vui vẻ

 

Không đồng tình với giải thích của các Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lẫn những người "chia lửa", ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai chất vấn trách nhiệm của các bộ ngành trong việc kiểm tra đầu vào các trò chơi, không phải chạy "theo sau" kiểm tra, phát hiện. Theo bà Mai, "game online ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận giới trẻ nên không tác hại cho thế hệ tương lai mà còn là sự phát triển và tồn vong của dân tộc".

 

ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) còn đưa thêm thống kê cả nước có 20 triệu người chơi, 5 triệu người chơi thường xuyên, 20.000 đại lý Internet và game online (riêng TP.HCM có 4.500 đại lý), chưa kể đường truyền về các gia đình, với tác hại không kém rượu, thuốc lá, nhiều mặt còn tương đương ma túy, và tha thiết yêu cầu phải có quy chế quản lý cấp phép.

 

"Thế giới cũng có vấn nạn này những kiểm soát được, còn ta quá lo bàn cãi thế nào là bạo lực, rồi mức độ bạo lực, đến giờ vẫn chưa sửa được thông tư 60 quá lạc hậu về nội dung". Bà Thảo lo lắng đến mức hỏi thẳng Bộ trưởng "có biết những nội dung game online vừa qua hay không?"

 

Trước những câu chất vấn sát sạt, Bộ trưởng Tuấn Anh "kêu gọi" Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cùng “chia lửa” với ông, mau chóng ngồi lại để "tính cách" giải quyết. Ông khẳng định những gì thuộc phận sự, Bộ VH - TT - DL sẽ làm đàng hoàng. Thậm chí, ông Hoàng Tuấn Anh còn thật thà chia sẻ khiến Hội trường cười ồ: "Tôi có 3 cậu con trai, mấy bố con cũng thích chơi game, nhưng không chơi game bạo lực, chỉ chơi game vui vẻ thôi".

 

Đáp lại lời kêu gọi “chia lửa” của ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định trong tháng này sẽ trình Chính phủ nghị định mới, đồng thời giới thiệu những game online trong nước giáo dục truyền thống, lịch sử như Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, các anh hùng dân tộc, đặc biệt những vấn đề liên quan đến ngàn năm Thăng Long lịch sử, "nếu những nội dung tốt các em có chơi quá đi một tí thì cũng hiểu thêm lịch sử, truyền thống Việt Nam".

 

Lãnh đạo mất nhiều thời gian đi lễ quá

 

Lễ hội cũng là chủ đề được nhiều ĐB đề cập, nhưng khá tản mạn. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhắc lại chuyện bánh chưng khổng lồ, chai rượu khổng lồ để "truy" người đứng đầu ngành văn hóa tại sao lại không ai can ngăn những đề nghị khủng khiếp như vậy. "Quốc tổ Hùng Vương đâu có thích uống rượu", ông Đáng nói.

 

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì chất vấn chuyện tổ chức lễ hội tràn lan, phô trương, biến tướng (lễ hội Đền Trần, Bà Chúa Kho) và đặt câu hỏi về tổng chi phí, "trong khi còn bao nhiêu công trình văn hóa không có vốn để hoàn thành, có là lãng phí không?".

 

ĐB Nguyễn Ngọc Đào thì hỏi Bộ trưởng đã nghĩ đến chuyện ban hành Luật về lễ hội chưa, "để lễ ra lễ, hội ra hội. Lãnh đạo mất nhiều thời gian đi dự lễ quá, thời gian đó nên để làm việc khác. Nên chăng ra luật lễ nào thì ai đến dự?".

   

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định chính quyền địa phương phải quản lý điều hành lễ hội dù người dân tổ chức, "có vấn đề lãng phí, có thương mại hóa, biết sai đến đâu thì chúng tôi chấn chỉnh đến đó".

 

Theo ông, lễ hội là dịp để người dân ôn lại truyền thống, giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị của quá khứ, rồi còn để tuyên truyền quảng bá, không thể vì những mặt tiêu cực mà phủ nhận, "vấn đề là thời gian tiết kiệm, tần suất giảm".

 

Khẳng định ngành văn hóa sẽ tham mưu xử lý mọi vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng nhắn gửi các địa phương phải sâu sát quản lý và nhờ các đoàn ĐBQH cùng giám sát bởi "mình chúng tôi làm không xuể, khó khăn quá", rồi "vĩ mô thì Bộ chúng tôi cố gắng, chứ vi mô thì nhờ ĐBQH".

 

THEO VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên