Vì một Bình Dương văn minh, sạch đẹp: Hãy bảo vệ môi trường từ nhiều phía

Cập nhật: 08-04-2010 | 00:00:00

Cùng với tiến trình phát triển, ngành tài nguyên - môi trường tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) thực sự có hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII đề ra “Tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội, BVMT và phát triển bền vững”.

Hãy cùng nhau hướng đến một Bình Dương văn Minh, sạch đẹpMột trong những kết quả quan trọng nhất đó là, ngành thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT, qua đó nâng cao nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm về BVMT của các doanh nghiệp và cộng đồng. Nhiều hoạt động phong trào của các đoàn thể ngày càng sâu rộng từ những việc nhỏ nhất như làm vệ sinh đường phố, khai thông cống rãnh đến BVMT từ sản xuất...

Bên cạnh đó, việc cải thiện chất lượng môi trường có nhiều chuyển biến nhất định. Nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, môi trường đô thị cũng như môi trường nông thôn đã chú trọng triển khai xây dựng những dự án đầu tư cho môi trường. Cụ thể như 2 Công ty TNHH Một thành viên Công trình đô thị (vay 3 tỷ đồng) và Cấp

thoát nước - Môi trường Bình Dương (vay 2,1 tỷ đồng) từ Quỹ BVMT của tỉnh ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác giữ gìn vệ sinh đường phố, góp phần làm sạch đẹp môi trường; Công ty TNHH Sản xuất Lương thực Bình Dương cũng vay 3 tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhằm góp phần ổn định sản xuất và BVMT xung quanh.

Điều đó cho thấy, năng lực quản lý Nhà nước về BVMT ngày càng phát huy hiệu lực, thể hiện rất rõ trong sự phối hợp, sự phân công trách nhiệm giữa các cấp, các ngành từ việc chủ động

phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra và xử lý ô nhiễm môi trường (ONMT). Nhờ vậy, đến nay, tình hình ONMT trên địa bàn đã được kiểm soát và khống chế, góp phần hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bước đầu cũng đi vào nề nếp, góp phần hạn chế lãng phí tài nguyên, giảm thiểu ONMT và mất cân bằng sinh thái.

Kết quả là vậy. Song trên thực tế, công tác quản lý môi trường trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, đó là chất lượng các thành phần môi trường nhất là môi trường nước mặt chưa được cải thiện. Việc tuân thủ pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất - kinh doanh chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hoặc xây dựng các hệ thống xử lý chỉ mang tính chất đối phó, nhận thức của cộng đồng về môi trường được nâng lên nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư về môi trường nhất là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật như thoát nước và xử lý nước thải, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Việc đầu tư hạ tầng thoát nước ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ và không theo kịp tốc độ phát triển gây ngập úng và phát sinh nhiều điểm nóng về môi trường khó giải quyết. Hơn nữa, vấn đề trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng cao, khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt... đến nay không còn là chuyện của thế giới, mà đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam như: mức độ gây thiệt hại do lũ lụt, hạn hán, triều cường ngày càng nặng nề hơn; bão lốc, giông tố gia tăng về số đợt và cường độ nguy hại... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của mỗi con người và cả nền kinh tế.

Để tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý môi trường, đáp ứng được mục tiêu đề ra, hướng đến xây dựng Bình Dương văn minh, sạch đẹp và tiếp tục triển khai phong trào “Vì một đô thị không rác”, năm 2010, Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp. Thông qua các hình thức như: công bố danh sách xanh, danh sách đen, công bố công khai thông tin các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 22-9... nhằm nhắc nhở, kêu gọi mọi người quan tâm đến vấn đề môi trường xung quanh, hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tự giác, tích cực tham gia các hoạt động BVMT để hạn chế các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Chủ động phòng ngừa ô nhiễm ngay từ khi thẩm định, phê duyệt dự án, bố trí các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, không thu hút các ngành có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ... Xem xét thẩm định, phê duyệt các quy hoạch phát triển, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở phải xem xét đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có liên quan. Bảo đảm 100% các dự án mới khi đi vào hoạt động đều được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết BVMT và thực hiện đúng các yêu cầu về BVMT.

Tập trung giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc, các “điểm nóng” về môi trường. Xử lý triệt để các cơ sở gây ONMT, các cơ sở gây ONMT nghiêm

trọng đã công bố trong năm 2008, 2009. Tiếp tục rà soát, công bố các cơ sở gây ONMT, các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng trong tháng 3-2010 để tiếp tục tập trung xử lý. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không hoàn thành đúng tiến độ và vẫn đang tiếp tục gây ô nhiễm.

Tăng cường công tác thanh tra về BVMT năm 2010, tập trung kiểm tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở được cấp phép hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, nhập khẩu phế liệu, các khu, cụm công nghiệp và các nguồn thải lớn trên lưu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai trên địa bàn.

Đôn đốc, kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp, bảo đảm hết năm 2010, 100% các khu công nghiệp hoàn thành xong hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực hiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại các khu công nghiệp để tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn thải. Kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị; xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại Bình Dương; tăng cường công tác kiểm tra việc xử lý chất thải tại các bệnh viện và tăng cường quản lý việc tổng hợp, lập dự toán và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

MAI HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên