Viết tiếp những mùa xuân đại thắng - Bài 2: Cùng nhau kiến thiết quê hương

Cập nhật: 27-04-2020 | 09:17:22

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé - Bình Dương khẩn trương xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ biên giới, ổn định cuộc sống nhân dân để cùng cả nước đi lên chủnghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Lê Duẩn (bìa phải) và lãnh đạo tỉnh Sông Bé thăm, làm việc với lãnh đạo xã kinh tế mới Tân Khai, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé tháng 10-1976. Ảnh tư liệu

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Bước ra từ hai cuộc chiến tranh tàn khốc, sau ngày thống nhất đất nước, Sông Bé - Bình Dương là địa phương chịu hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh. Rừng bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá, hủy diệt; hàng vạn ha ruộng vườn còn đầy rẫy bom mìn, hoang hóa. Hàng chục ngàn lao động ở thị xã, thị trấn và trong các ấp chiến lược mới giải phóng không có việc làm. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở một bộ phận dân cư cả ở vùng căn cứ và vùng mới giải phóng. Nhân dân vùng căn cứ cũng như vùng nông thôn sau giải phóng trở về xóm cũ sản xuất trong muôn vàn khó khăn, không có nhà cửa, không máy móc, phương tiện sản xuất. Hàng vạn người mù chữ, hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh thiếu đói nghiêm trọng.

Là người cùng cảtỉnh tham gia kiến thiết lại quê hương trong những ngày đầu sau giải phóng, ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết lúc này tỉnh gặp bộn bề khó khăn nhưng trong niềm vui chiến thắng, quân và dân trong tỉnh cùng đoàn kết, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng quê hương. Chính trong những ngày đầu sau giải phóng, ông đãcùng với lực lượng thanh niên giải phóng của tỉnh xuống từng tuyến đường, đến tận từng nhà tại TX.Thủ Dầu Một để vận động người dân cùng xóa bỏ những tàn tích còn lại của chế độ cũ, cùng vệ sinh đường phố...

“Khí thế của đồng bào là rất hồ hởi, nhiệt tình, phấn khởi tham gia, nhất là lực lượng thanh niên”, ông Nguyễn Minh Giao nhớ lại. Cũng theo ông Giao, sau giải phóng, vai trò của Ủy ban Quân quản tỉnh rất quan trọng trong việc triển khai những biện pháp tích cực nhằm thiết lập lại trật tự xã hội, giữ vững và củng cố an ninh chính trị, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Công tác xây dựng, điều hành chính quyền mới gặp nhiều khó khăn do cán bộ ta từ trong rừng mới ra, nhưng có điểm thuận lợi là mọi cán bộ đều quyết tâm và được đồng bào quý mến. Tỉnh thực hiện chủ trương vừa giải quyết nhu cầu cấp bách về số lượng cán bộ, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng. Chính vì vậy, chỉsau vài tháng, tỉnh đã ổn định được tình hình, củng cố và xây dựng vững chắc chính quyền từ tỉnh xuống xã.

Tại TX.Thủ Dầu Một cũng như ở các huyện, Ủy ban Quân quản đã kịp thời điều hành phối hợp lực lượng thực hiện vai trò quản lý xã hội, giải quyết một số công việc cấp bách trong những ngày đầu giải phóng. Từ ngày 1-5-1975, việc cung cấp điện, nước đã được khôi phục, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân trong thị xã và hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Vũ khí, xe cộ do địch bỏ rải rác khắp nơi cùng với chướng ngại vật ngổn ngang trên các trục đường thị xã được thu gom, dọn dẹp. Chợ TX.Thủ Dầu Một trở lại hoạt động mua bán bình thường.

Ngay trong ngày đầu giải phóng, Ủy ban Quân quản đã kịp thời cấp phát hơn 160 tấn gạo cứu đói cho hơn 40.000 đồng bào ở thị xã; huy động hơn 500 lượt xe đò đưa hơn 40.000 đồng bào ở Bình Long, Dầu Tiếng bị địch gom về khu tập trung Gò Đậu, Bình Hòa trở về quê cũ. Ở các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, Dĩ An, Tân Uyên, cấp ủy chính quyền cách mạng tập trung cứu đói, ổn định tình hình địa phương vùng mới giải phóng. Song song đó, để sớm ổn định tinh thần cho các tầng lớp nhân dân vốn bị địch kìm kẹp lâu ngày, Ủy ban Quân quản phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng, Ban Dân vận các địa phương cùng cơ sở thực hiện công tác vận động quần chúng, tổ chức quần chúng thành những tổ liên gia đoàn kết tham gia bảo vệ trật tự an ninh xã hội nơi mình sinh sống; vận động nhân dân hợp tác với chính quyền cách mạng tại địa phương bảo vệ thành quả cách mạng.

Xây dựng đời sống mới

Sau ngày đất nước thống nhất, mặc dù được sống trong không khí hòa bình nhưng đời sống của nhân dân Sông Bécòn nhiều khó khăn, một bộ phận quần chúng còn có tư tưởng diễn biến phức tạp do hậu quả chiến tranh để lại. Để nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư cho công tác văn hóa, giáo dục, y tế. Các tổ chức đoàn thể đã vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, xóa bỏ những tàn tích văn hóa đồi trụy của Mỹ - ngụy.

Ông Huỳnh Văn Xuyến, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Giáo, cho biết: “Cùng với việc chăm lo cái ăn, chỗ ở cho nhân dân thì việc quan tâm xây dựng đời sống văn hóa mới cũng được các cấp chính quyền của tỉnh chú trọng thực hiện. Từ cuối năm 1975, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc giãn số dân tập trung ở thành phố, giải quyết nạn đói và khôi phục sản xuất, huyện Phú Giáo có nhiệm vụ tiếp nhận hàng ngàn di dân từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đi xây dựng kinh tế mới, chưa kể số Việt kiều chạy lánh nạn khủng bố của chính quyền phản động Khmer đỏ ở Campuchia. “Tình hình đó đặt ra nhiều vấn để cho chính quyền là phải giải quyết về nơi ăn, chốn ở và triệt xóa các hủ tục của xã hội cũ kèm theo là ma túy, cờ bạc, bói toán…”, ông Xuyến nói.

Để bảo đảm xây dựng thành công đời sống văn hóa mới, công tác văn hóa, văn nghệ được các cấp chính quyền tập trung chỉđạo từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, cổ động được mở rộng đến tận xã, ấp; chú trọng việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn này, để đẩy lùi nạn dốt, ngành giáo dục đã kịp thời mở gần 400 lớp bổ túc văn hóa cho gần 10.000 người học. Mạng lưới vệ sinh phòng dịch, chữa bệnh trong nhân dân được phát triển, qua đó công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được quan tâm. Phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ trong nhân dân ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động được thêm các nguồn lực để xây dựng các cơ sở vật chất văn hóa… Cùng với đó, tỉnh đã chỉđạo thực hiện tốt công tác chính sách cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, huyện…

Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết chủ động, sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Sông Bé - Bình Dương nhanh chóng bắt tay vào công cuộc kiến thiết quê hương, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Những kết phát triển của tỉnh những năm đầu sau giải phóng là rất quan trọng; tạo ra tiền đề để tỉnh nhanh chóng hòa mình vào luồng gió đổi mới 10 năm sau để bứt tốc trên con đường phát triển. (còn tiếp)

Từ cuối năm 1975 đầu năm 1976 trở đi, cùng với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, phong trào khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp đã được đẩy mạnh. Trong giai đoạn này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ I, II, III đã đề ra các phương hướng nhiệm vụ cơ bản, là: Tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh lâm nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực trong tỉnh, đóng góp một phần cho cả nước; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất cho các ngành kinh tế trong tỉnh, tận dụng và phát huy năng lực của cơ sở sẵn có; hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tư bản tư nhân ở địa phương, củng cố quan hệ sản xuất mới; tích cực chăm sóc sức khỏe nhân dân...  

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên