Viết tiếp những mùa xuân đại thắng - Bài 4: Tạo bước đột phá

Thứ tư, ngày 29/04/2020

(BDO) Hoàn thiện hạ tầng

Sau ngày tái lập tỉnh (1997), giữa bộn bề khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nêu cao truyền thống anh hùng, đoàn kết, quyết tâm đưa tỉnh nhà nhanh chóng đi lên. Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp. Muốn vậy, trước mắt phải đáp ứng các điều kiện cần thiết để tạo thuận lợi cho công nghiệp phát triển.

Đường Phạm Ngọc Thạch dẫn vào trung tâm thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Sản xuất thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát. Ảnh: Q.CHIẾN

Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ lại, lúc đó so với một sốđịa phương lân cận, Bình Dương kém hẳn về hạ tầng, không có sân bay, không có cảng sông, công nghiệp đi sau... Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cả tỉnh chỉ có vỏn vẹn 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cho đến năm 1996 cũng chỉ mới có trên 50 dự án FDI. “Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ xác định muốn phát triển công nghiệp, thu hút được vốn đầu tư cả trong và ngoài nước phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Trong đó phải gấp rút xây dựng hệ thống hạ tầng như điện, đường, hệ thống thông tin viễn thông… Hạ tầng dần hoàn thiện, điều này khiến nhà đầu tư hài lòng và lựa chọn Bình Dương làm điểm đến…”, ông Phương nói về “thuở ban đầu” như thế.

Quyết định có tác động lớn đến sự phát triển công nghiệp của tỉnh đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Hàng loạt tuyến đường trọng yếu như ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747… được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng với quy mô đường cấp I, II, 4 đến 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp (KCN), đô thị phía nam, các KCN, đô thị và vùng nguyên liệu phía bắc của tỉnh với các tỉnh, thành lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, việc nâng cấp quốc lộ 13 (QL.13) lúc bấy giờ được xem là bước đột phá bước ngoặt để công nghiệp Bình Dương thực sự cất cánh. Là một tuyến đường huyết mạch nhưng QL.13 chỉ có hai làn xe, khiến việc lưu thông hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT, QL.13 đoạn qua địa bàn tỉnh dài 62km, quy mô đường cấp I, II với 6 làn xe. Sau khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, QL.13 thực sự là bước “đột phá trong đột phá” phát triển kinh tế của tỉnh. Không những đáp ứng tốt nhu cầu đi lại vận chuyển hành hóa mà QL.13 còn tạo cơ sở đón nhận sự lan tỏa phát triển đô thị, công nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh, thu hút nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư sản xuất nói riêng và góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp cho tỉnh nói chung.

Đột phá công nghiệp

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Bình Dương chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Thành công mang tính đột phá của tỉnh là việc phát triển có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với xây dựng các đô thị hiện đại.

Nếu như năm 1995 tỉnh mới hình thành 1 KCN tập trung thì đến nay đã có 29 KCN, trong đó nhiều KCN như Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Mỹ Phước… đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Bình Dương hiện là địa chỉ tin cậy của hàng chục ngàn nhà đầu tư trong nước và hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 3.750 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,23 tỷ USD.

Sau hơn ba thập niên thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và nhất là sau 23 năm tái lập tỉnh, đến nay Bình Dương đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis vào cuối năm 2019, ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội) nhấn mạnh, với lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang dần khẳng định vai trò của mình trong mối quan hệ khu vực, liên vùng và kết nối quốc tế. Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 60% GDP của cả tỉnh. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha đất KCN, hơn 38.000 doanh nghiệp đầu tư trong nước. Tỉnh hiện đứng thứ 2 cả nước

 về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với hơn 3.700 dự án. Tỉnh thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Kết quả nổi bật, GDP của tỉnh tăng 8,95%; tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 64,1% trong GRDP; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6%; thu ngân sách vượt dự toán 15%… Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh bước vào giai đoạn phát triển, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 45 năm sau ngày giải phóng và nhất là hơn 20 năm xây dựng vàphát triển là sự nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, mang tính đột phá và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, đồng thời hướng đến mục tiêu duy trì lợi thế thu hút FDI, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế, Bình Dương đã bắt tay thực hiện mô hình phát triển thành phố thông minh. Tháng 11-2016, Đề án “Thành phố thông minh” Bình Dương đã được phê duyệt. Đây là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đặt ra những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức.

Đánh giá về sự phát triển năng động và mạnh mẽ của Bình Dương trong những năm qua, ông Vương Đình Huệ khẳng định: Sự phát triển năng động của Bình Dương không chỉ mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện Đề án “Thành phố thông minh” bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, tỉnh Bình Dương một lần nữa tạo cơ sở vững chắc để có thể tin tưởng, kỳ vọng vào một thành phố Bình Dương đáng sống trong tương lai.

Có thể nói mục đích của thành phố thông minh là tìm ra phương pháp đi nhanh hơn, có cách tiếp cận thông minh hơn với mục tiêu cuối cùng là thực hiện tốt các chương trình hành động về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển đô thị văn minh, giàu đẹp; phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị; huy động các nguồn lực để đổi mới thu hút đầu tư, nâng tầm quốc tế cho thương hiệu Bình Dương. (còn tiếp)

Nếu như năm 1995 tỉnh mới hình thành 1 KCN tập trung thì đến nay đã có 29 KCN, trong đó nhiều KCN như Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Mỹ Phước… đã trở thành thương hiệu, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Bình Dương hiện là địa chỉ tin cậy của hàng chục ngàn nhà đầu tư trong nước và hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 3.750 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 34,23 tỷ USD.

TRÍ DŨNG