Viêm não Nhật Bản: Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Cập nhật: 19-07-2014 | 00:00:00

 Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, bệnh viêm não Nhật Bản đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh, thành. Bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng có thể tử vong cho người mắc nếu chậm phát hiện và không được điều trị kịp thời. Hiện nay đang là thời điểm vào mùa của bệnh, do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành cần tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu biết và thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả…  

Các điểm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh đều tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ từ 1 - 5 tuổi.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 4-7, cả nước ghi nhận 357 trường hợp mắc viêm não vi rút, trong đó có viêm não Nhật Bản tại 32 tỉnh, thành phố; có 6 trường hợp tử vong. Các ca bệnh viêm não Nhật Bản B được ghi nhận phần lớn ở khu vực miền Bắc. Cũng theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc viêm não vi rút giảm gần 11%.

Tại Bình Dương, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, tính đến cuối tháng 6-2014, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp dương tính với viêm não Nhật Bản. Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, cho biết 3 ca dương tính trên được phát hiện qua xét nghiệm 42 trường hợp nghi ngờ (viêm não - màng não). Mặc dù tỷ lệ dương tính với viêm não Nhật Bản không cao (7%), nhưng điều đó cũng chứng tỏ, vi rút viêm não Nhật Bản đang lưu hành trên địa bàn Bình Dương.

Một trong những bệnh mùa nắng nóng

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương và thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm - Vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, trong đó cao điểm vào khoảng từ tháng 6 - 8 hàng năm. Mùa này, thời tiết có nhiệt độ cao, mưa cũng thường xuyên xuất hiện. Nước ứ đọng và tập quán chăn nuôi heo tại các hộ gia đình ở khu vực nông thôn là điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành vi rút viêm não Nhật Bản trong tự nhiên, từ đó dẫn đến tình trạng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản ở người.

Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản nhanh chóng xuất hiện các biểu hiện sau khi phơi nhiễm mầm bệnh. Các biểu hiện cấp tính, bao gồm: sốt cao đột ngột, xuất hiện các dấu chứng thần kinh nặng, nhức đầu dữ dội, co giật, cứng gáy, buồn nôn và nôn dữ dội... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại các di chứng về thần kinh rất khó phục hồi, thậm chí là tử vong.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Điều cần lưu ý là, bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa bằng vắc xin. Từ năm 1997, vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện, vắc xin đang được triển khai tiêm cho tất cả trẻ em từ 1- 5 tuổi, tại các điểm tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Theo đánh giá của ngành y tế, nhờ triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, số trường hợp viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản tại nước ta đã giảm đáng kể. Đến nay, chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút.

Theo BS Quách Hoàng Mỹ, bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người là do muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm vi rút (chủ yếu là heo), rồi đốt lại người và truyền bệnh cho người. Vì thế, các gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả để bảo vệ cho con em mình trước bệnh viêm não Nhật Bản nói riêng và các bệnh lây truyền do muỗi nói chung. Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc cách xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; cần mắc màn khi ngủ, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, bố trí khu vực chăn nuôi gia súc cách xa khu vực nhà ở, sinh hoạt thường ngày của gia đình và hạn chế không cho trẻ em vui chơi gần khu vực chăn nuôi gia súc, đặc biệt là vào thời điểm chập tối để đề phòng muỗi đốt.

Qua điều tra thông tin ban đầu 3 ca dương tính với viêm não Nhật Bản trên địa bàn tỉnh cho thấy, các ca dương tính trên đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Vì thế, với trẻ em, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch với 3 mũi cơ bản: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Các chuyên gia về dịch tễ cũng khuyến cáo, người dân khi thấy con em mình có dấu hiệu sốt cao, có các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. BS Quách Hoàng Mỹ khẳng định, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản an toàn, hiệu quả và ít tốn kém nhất.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên