Việt Nam thăng hạng ấn tượng trong top các quốc gia đổi mới

Cập nhật: 05-04-2021 | 10:04:56

Chỉ số đổi mới toàn cầu của WIPO đưa ra rằng, các quốc gia có thu nhập trung bình - đặc biệt là ở châu Á  đang có những bước tiến ấn tượng về chỉ số đổi mới toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam.

Đổi mới có thể là công cụ cho sự thành công của các nền kinh tế, ở tầm vĩ mô và vi mô. Trong khi đầu tư cung cấp động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới - thì mối quan hệ này không phải lúc nào cũng đơn giản. Bảng xếp hạng năm 2020 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) chỉ ra điều đó. Biểu đồ trên phân tích các quốc gia đổi mới nhất trong từng nhóm thu nhập của Ngân hàng Thế giới, dựa trên dữ liệu từ Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) của WIPO, đánh giá các quốc gia trên 80 chỉ số đổi mới như nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư mạo hiểm và sản xuất công nghệ cao.

Trong khi những quốc gia giàu hơn tiếp tục dẫn đầu sự đổi mới toàn cầu, GII cũng cho thấy rằng các quốc gia có thu nhập trung bình - đặc biệt là ở châu Á - đang có bước tiến ấn tượng. Trong đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về xuất khẩu ròng công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, làm cho cán cân thương mại chuyển biến mạnh mẽ.

Theo số liệu vào năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 424,87 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 50,31%. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đã khẳng định vị trí trọng tâm trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020. Cùng với đó là làn sóng các công ty, tập đoàn công nghệ dồn dập đổ vốn vào Việt Nam với quy mô ngày càng rộng hơn.

Ngay trong thời gian đầu năm 2021 khi còn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chứng kiến sự nhộn nhịp cam kết đầu tư mới cũng như bổ sung nguồn vốn lớn của các tập đoàn công nghệ thế giới. Và việc tăng vốn đầu tư của các tập đoàn công nghệ ngay từ những tháng đầu năm 2021 là một minh chứng cho thấy Việt Nam đang đứng trước không ít cơ hội để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và sản phẩm công nghệ cao nói riêng.

Việt Nam vượt lên dẫn đầu nhóm các quốc gia có tổng thu nhập trung bình thấp (Nguồn: WIPO)

Đáng chú ý, cuối tháng 1/2021 vừa qua, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu USD cho dự án sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Như vậy, tổng vốn đầu tư của tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ này tại Việt Nam đã lên tới hơn 1,5 tỷ USD, khoản đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam.

Trên thực tế, lĩnh vực kinh tế, quy định tại các quốc gia có thể có tác động to lớn đến mức độ đổi mới. Ngược lại, quá trình đổi mới cũng trở thành động lực kinh tế, kích thích đầu tư hơn nữa. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có bước chuyển mình nhanh nhất trong những năm qua xếp hạng của GII 2020.  Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là những quốc gia châu Á thuộc top 50 trong danh sách này.

Theo Itcnews

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên