Việt Nam và ASEAN sử dụng bền vững đất than bùn

Cập nhật: 14-12-2013 | 00:00:00
Nhằm tăng cường quản lý đất than bùn bền vững, từ đó duy trì sinh kế của dân cư địa phương, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN tham gia một dự án về lĩnh vực này và được khu vực đánh giá cao sau 4 năm thực hiện.

Sáng 11-12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các chuyên gia tổ chức hội thảo “Tổng kết dự án khu vực-hợp phần Việt Nam về quản lý và sử dụng bền vững đất than bùn khu vực Đông Nam Á” (dự án Peatland). Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì dự án này ở Việt Nam.

Hội thảo nhằm tổng kết đánh giá những kết quả đạt được của dự án, rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công và hạn chế cần khắc phục; đồng thời thảo luận báo cáo về các kết quả cụ thể của dự án và thảo luận phương hướng để phát triển phần tiếp theo của dự án.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho biết, hai điểm trình diễn chính của dự án là Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang và Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Qua gần 4 năm triển khai, dự án đã thu nhiều kết quả, nhất là thành công của hoạt động hỗ trợ sinh kế cộng đồng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng được không chỉ cộng đồng địa phương mà cả ASEAN đánh giá rất cao và mong muốn học tập mô hình này.

Việt Nam là một trong 4 quốc gia tham gia Peatland. Các nước còn lại là Indonesia, Malaysia, Philipines. Dự án này kéo dài trong 4 năm với mục tiêu tăng cường quản lý bền vững các vùng đất than bùn ở Đông Nam Á để duy trì sinh kế của dân cư địa phương nhằm phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giảm nguy cơ cháy và khói bụi kèm theo, góp phần vào quản lý môi trường toàn cầu, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam diện tích đất than bùn chỉ chiếm 36.000 ha và phân bố rải rác nhiều nơi trên cả nước, nhưng chủ yếu là ở đồng bằng sông Cửu Long, trong rừng U Minh, thuộc các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang với diện tích khoảng 24.000 ha, trong đó một diện tích lớn được chọn là các khu bảo tồn ở vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Tuy nhiên, diện tích đất than bùn đang giảm sút đáng kể, nguyên nhân được cho là do cháy rừng và nạn khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên, ngoài ra việc thoát thủy phục vụ cho nông lâm nghiệp cũng làm ảnh hưởng đến diện tích đất than bùn.

Đất than bùn với giá trị và chức năng sinh học, cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sinh cảnh sông cho động vật. Đất than bùn có vai trò quan trọng trong việc giảm đỉnh lũ và duy trì dòng chảy cơ bản của các dòng sông trong suốt mùa khô. Nó còn có chức năng kiểm soát khí hậu toàn cầu.

Theo VnE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên