VN có sự chuyển hướng trong phòng ngừa thiên tai

Cập nhật: 05-09-2013 | 00:00:00
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện có hai giải pháp quan trọng để ứng phó và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Trước hết là giảm thiểu lượng khí thải từ những hoạt động của con người nhằm giải quyết tác nhân căn bản gây nên biến đổi khí hậu. Thứ hai là thích ứng, né tránh và lợi dụng các tác động không thể tránh được tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu, để chung sống với tự nhiên một cách hòa bình.  

Nước lũ dâng cao ngập mái nhà tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Một số giải pháp thích ứng cũng góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính, trong khi ngược lại các giải pháp giảm thiểu cũng có thể làm giảm rủi ro thiên tai. Cả hai giải pháp này cần được kết hợp và thực hiện đồng thời trong các chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các giải pháp ứng phó cần gắn với quá trình phát triển bền vững, bởi nó sẽ giúp giảm nhẹ rủi ro cho con người, đồng thời tăng khả năng ứng phó của cộng đồng đối với sự tàn phá của thiên nhiên.

Thực tế trong công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam, nếu như trước đây chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả, thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm giải pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Cụ thể như Chương trình sống chung với lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp thích ứng với lũ ở miền Trung.

Kết quả là việc thích nghi với mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại lợi ích đa dạng, nâng cao đáng kể nguồn sinh kế địa phương của người dân ở khu vực này. Chẳng hạn như nông dân trồng lúa ở Đông bằng sông Cửu Long có thể trồng nhiều hơn hai vụ trên diện tích bị ngập bằng việc sử dụng phương pháp tiếp cận trồng cây trên lũ.

Những người nuôi thủy sản như cá da trơn và lươn quy mô nhỏ cũng thu được lợi nhuận đáng kể. Hoặc việc trồng sen và củ ấu cũng có thể đem lại nguồn lợi từ 10-12 triệu đồng trên mỗi ha, cao hơn gấp 2 lần so với trồng lúa.

 

Ngoài những lợi ích kinh tế, phương thức sản xuất nông nghiệp dựa vào mùa lũ còn tạo ra nhiều dịch vụ việc làm cho người dân địa phương.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy chiến lược thích nghi riêng lẻ từng cá nhân, từng hộ gia đình sẽ không là giải pháp nếu không có được chiến lược của tập thể, sự duy trì hệ thống bảo vệ và thích ứng với biến đổi khí hậu của cả cộng đồng.

Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, ảnh hưởng sâu sắc và làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Để chủ động ứng phó, phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ; trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm, coi giảm nhẹ khí nhà kính là cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Do vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu nặng nề nhất.

Với bờ biển dài 3.260km và 28 tỉnh, thành phố có biển, các vùng sản xuất lương thực chính của Việt Nam cũng là các vùng tập trung dân cư ngay tại hai đồng bằng châu thổ lớn.

Trong khi đó, 80% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích Đồng bằng sông Hồng ở độ cao dưới 2,5m so với mặt nước biển nên mối đe dọa do nước biển dâng, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn là thực sự nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu còn làm tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, lũ quét và hạn hán ở nhiều địa phương. Những thiên tai này không còn diễn ra theo mùa hay chu kỳ và ngày càng thất thường, rất khó dự báo.

Chính phủ đã khẳng định việc phòng chống, kiểm soát và giảm thiểu hậu quả thiên tai là một trong những mục tiêu ưu tiên. Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần giải quyết ở cả 3 cấp độ. Đó là cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế, trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế.

Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững đất nước.

Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu là tài nguyên nước, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Biến đổi khí hậu có tác động mạnh đến các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, của ngành và địa phương, đến an ninh lương thực, năng lượng, học hành và sức khỏe cộng đồng.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, gây khó khăn và thậm chí phá hủy chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Như vậy, việc nâng cao nhận thức, hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống hạ tầng, công trình thủy lợi, kinh tế-xã hội, cộng đồng dân cư trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trước hết ưu tiên cho cho các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, dải ven biển miền Trung và khu vực Đồng bằng sông Hồng. Mặt khác phải đảm bảo 100% chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực và vùng được xây dựng trên cả nước đều cập nhật, bổ sung có tính đến các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu./.

 (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên