Vốn ngân hàng khó cả đầu vào lẫn đầu ra

Cập nhật: 11-03-2010 | 00:00:00

Trong tinh thần hiện nay, các NH đều cho rằng chưa thể cho vay với mức lãi suất thấp hơn“Cắn răng vay ngân hàng” là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp (DN). Phía các ngân hàng (NH) cũng lắm tâm tư, bởi trong tổng nguồn vốn NH lâu nay có đến 90% số vốn huy động từ dân, chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn 1 - 3 tháng, lãi suất (LS) thực tế chạm ngưỡng 12%/năm, cộng với chi phí kinh doanh 4%/năm nên LS cho vay không thể dưới 16%/năm. Tuy nhiên, với mức LS này trở lên không phải khách hàng nào cũng chấp nhận, đòi hỏi các NH phải giảm LS đầu vào để hạ LS cho vay mới thu hút được người vay.

Khách hàng cân nhắc khi vay

Theo quy định, thời gian 365 ngày được coi là vay ngắn hạn, còn 366 ngày thì được coi là vay trung dài hạn. Với 366 ngày, NH được quyền thỏa thuận LS vay với khách hàng; còn 365 ngày thì chỉ được cho vay tối đa là 12%/năm theo trần lãi suất (TLS) hiện hành. Điều này giải thích vì sao đang xảy ra chuyện gần như các NH đều tạm dừng cho vay ngắn hạn sau khi NHNN cho phép các NH được cho vay theo LS thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn.

Ở góc độ kinh doanh, với việc huy động LS với mức đồng loạt là 10,5%/năm, cộng với dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, chi phí quản lý, dự phòng rủi ro... thì giá vốn của các NH đều cao hơn 12%/năm. Vì thế, việc NH cho vay với LS 12%/năm bằng LS trần là điều không NH nào muốn làm. Thế nhưng, theo đúng quy định thì họ phải tuân thủ dù tất cả các NH đều tìm cách “lách” mức trần này.

Giới đầu tư tài chính chia sẻ, TLS huy động hiện nay đang làm khó cho người gửi tiền nhỏ do không được hưởng LS cao hơn 10,5%/năm và chỉ có lợi cho người gửi tiền lớn khi được NH thỏa thuận LS thông qua các hình thức khác nhau.

Hiện nay, nhiều NH giới thiệu các chương trình cho vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe, du học...) và sản xuất với thời gian nới rộng từ 3 - 10 năm. Tuy nhiên, áp lực về LS tăng vọt đã khiến người đi vay chùn bước. Với cách tính “thăm dò” của các NH hiện nay là LS huy động 10,5%, cộng với chi phí khuyến mãi khoảng 0,5% và biên độ 3% theo quy định thì LS cuối khoảng 13 - 14%, từ đó đưa ra LS cho vay từ 17% - 18%. Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối vay cá nhân ABBank cho biết, nếu các NH đều đưa ra mức LS như vậy và đó cũng là ngưỡng chấp nhận của khách hàng thì sẽ không có những cuộc đua LS. Tuy nhiên, với những con số điều chỉnh trên, tức người đi vay phải vay vốn với mức lãi cao sẽ kéo theo giá thành phẩm tăng, sức ép lại đè lên vai người tiêu dùng.

Các NH thương mại thừa nhận, với LS hiện nay, các khách hàng DN và cá nhân chắc chắn phải cân nhắc, tính toán chặt chẽ khi thương lượng với NH. Đối với vay để kinh doanh bất động sản, chứng khoán thì LS thỏa thuận có thể chấp nhận được, nhưng nếu vay để tiêu dùng cá nhân thì phải cân nhắc kỹ, nhất là khi lương bổng không điều chỉnh kịp với mức tăng LS.

Sẽ ra sao khi “tháo trần” lãi suất?

Các NH đang kiến nghị nên bỏ TLS bởi nó đã không còn phù hợp với sự phát triển của thị trường vào thời điểm hiện tại. “Nếu thấy cái gì không hợp lý, cản trở sự phát triển thì cũng nên hành động nhanh để tạo điều kiện cho NH cũng như nền kinh tế phát triển. Càng để chậm thì không chỉ NH mà DN cũng khổ”, một lãnh đạo NH cổ phần tại TP.HCM nói.

Do NHNN chưa cho phép áp dụng LS thỏa thuận đối với vay vốn lưu động (vốn vay ngắn hạn) nên TLS cho vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh vẫn bị khống chế 12%/năm. Ngoài LS 12%/năm, DN còn đóng phí dịch vụ thấp nhất là 4% trên số vốn được cấp thông qua các thủ tục cho vay khiến chi phí vay vốn lên đến 16%/năm. Phía NH cho rằng với LS trần cho vay 12%/năm cộng với phí dịch vụ, kinh doanh mới có lời. Trong khi đó DN vì cần vốn, phải cắn răng chịu đựng điều kiện vay vốn của phía các NH.

Hiện tại khi cơ chế LS thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn đã được mở, thanh khoản hệ thống đã được cải thiện, mức trần 10,5%/năm xem ra có thể gỡ bỏ. Bởi theo ý kiến của lãnh đạo một số NH thương mại, khi đầu ra đã mở, đầu vào cũng cần có cơ chế “thoáng” để tạo sự chủ động cân đối các nguồn vốn.

Thông tin mới đây từ cuộc họp của Hiệp hội NH Việt Nam với các hội viên cho thấy, vấn đề đặt ra là các NH không quyết liệt gọi vốn khi kéo thẳng LS 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn. Thay vào đó, cơ cấu giữa các kỳ hạn đang chờ để thay đổi, đường cong LS chờ một “trật tự” mới thay vì hầu như không phân biệt như hiện nay. Giả thiết đặt ra, nếu trần 10,5% được bỏ, LS huy động có thể sẽ tăng nhưng ở những kỳ hạn theo cơ cấu và nhu cầu vốn của mỗi NH. Một diễn biến đã định hình là một số thành viên đã có điều chỉnh theo hướng từ thấp đến cao theo kỳ hạn ngắn đến dài, như tại NH Công thương (Vietinbank), NH Đầu tư và Phát triển (BIDV), NH Đông Á (DongA Bank). Một số trường hợp như NH Á châu (ACB), NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NH Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng không áp đồng loạt 10,49% như nhiều thành viên khác hiện nay, mà chỉ tập trung ở một số kỳ hạn tập trung gọi vốn...

THẢO VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên