Lục bình trôi đầy mặt sông Sài Gòn đoạn qua cầu Phú Long (TX.Thuận An) Ảnh: D.CHÍ
Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường cho thấy, qua hai đợt ra quân vớt lục bình trên sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa bàn tỉnh gắn với vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy vừa qua, các ngành cấp tỉnh đã thu vớt được 2.630 tấn lục bình; cấp huyện, thị, thành phố đã thu vớt được 896 tấn. Cả hai cấp đã huy động trên 3.760 lượt người tham gia. Hiện có hai đơn vị đặt chốt cố định trên sông Sài Gòn để thu vớt thường xuyên là Tổng Công ty TNHH MTV Thanh Lễ và Công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước- Môi trường Bình Dương.
Theo hai công ty này, giải pháp cơ giới đang thực hiện hiệu quả hơn các máy cắt lục bình do các trường, viện giới thiệu; việc sử dụng cơ giới còn điều động phương tiện làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, khai thông kênh rạch, gia cố bờ bao lúc triều cường, chống ngập…
Tại cuộc họp về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An Đặng Văn Ba cho rằng để xử lý tốt vấn đề lục bình, UBND tỉnh nên phân cấp cụ thể theo hướng: Tại các tuyến kênh rạch, sông suối thuộc địa bàn nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm giải quyết gắn với công tác bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy, phòng chống lụt bão của địa phương; còn lại, toàn tuyến sông Sài Gòn là do UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý.
Một vấn đề quan trọng mà các địa phương đang lúng túng khi thực hiện đó là kinh phí. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho rằng đã phải vận dụng đủ cách, có lúc dùng kinh phí phòng chống lụt bão, có lúc sử dụng kinh phí dự phòng… nên khi quyết toán cũng gặp những khó khăn; vì vậy đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến để các địa phương dễ dàng áp dụng.
Đại diện Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng, cái chính là phải xác định nguyên nhân bùng phát lục bình để có giải pháp xử lý phù hợp. Trên thực tế, bùng phát lục bình không chỉ xảy ra ở Bình Dương mà các tỉnh, thành lân cận đều gặp phải như TP.HCM, Tây Ninh, Long An…
Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức hội thảo tại Long An để tìm cách xử lý dứt điểm vấn đề này. Tại hội thảo, có ý kiến nói lục bình xuất phát từ những cánh đồng hoang từ Campuchia theo dòng sông Cửu Long trôi về Việt Nam nên phải phối hợp xử lý; một số ý kiến khác thì đưa ra giải pháp sinh học để ức chế quá trình sinh sản, phát triển của lục bình. Riêng giải pháp dùng thiên địch loại bọ cánh cứng ăn mầm lục bình khiến lục bình không thể sinh sôi, phát triển cũng đã được nhiều đại biểu chia sẻ, vì giải pháp này đã được Thái Lan áp dụng khá hiệu quả từ nhiều năm nay…
Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh phải gắn việc trục vớt lục bình với công tác vệ sinh môi trường, khai thông dòng chảy, phòng chống lụt bão nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về môi trường. Các địa phương có trách nhiệm làm vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy hệ thống sông suối, kênh rạch do địa phương quản lý. Về lâu dài, tỉnh giao Sở Khoa học - Công nghệ nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khoa học, máy móc chuyên dùng; giao Sở Tài chính tính toán kinh phí giúp các địa phương thuận tiện trong việc xử lý tận gốc tình trạng lục bình trôi sông, cản trở dòng chảy.
DUY CHÍ