Vui buồn tại Festival Huế 2010

Cập nhật: 24-06-2010 | 00:00:00

Ngay trong ngày đầu tiên tác nghiệp tại Festival Huế 2010, cánh phóng viên báo chí đã gặp phải những chuyện dở khóc dở cười. Theo chương trình, đúng 20 giờ đêm 5-6 sẽ diễn ra lễ khai mạc. Cả ngày chạy loanh quanh trong thành phố Huế, hết triển lãm, đến hội thảo, nói chuyện chuyên đề... nên bụng ai cũng thấy cồn cào. Từ cuối giờ chiều đến lúc khai mạc còn khoảng 2 tiếng đồng hồ nên mấy đồng nghiệp hẹn nhau đi ăn cơm, khoảng 19 giờ đến “giành chỗ” ngồi là vừa đẹp. Cứ tưởng, khán giả cũng canh giờ khai mạc mà đến. Thế nên, ăn cơm tối xong khoảng 18 giờ 30 là mấy anh em rủ nhau lên đường. Ai ngờ, vừa chạy xe gần đến Cửa Ngăn (một trong những cửa vào bên trong Thành Nội) thì đường đã... kẹt xe. Hình như, qua 5 kỳ festival trước, bà con xứ Huế và khách du lịch đã có nhiều kinh nghiệm nên đổ dồn về khu vực gần sân khấu tổ chức chương trình từ rất sớm, mới có cảnh tắc đường trên. Vậy là chúng tôi lại phải chạy ngược trở ra, quay xe đúng một vòng quanh Đại Nội mới vào được địa điểm diễn ra lễ khai mạc. Đang đi gấp thì mấy anh công an bảo vệ bên ngoài chặn lại, thì ra cái thẻ tác nghiệp của mình bị lật ngược, mặt thẻ có dán hình lật úp vào trong người nên mấy anh công an đề nghị dừng lại kiểm tra. Đúng là lễ lớn có khác, mấy anh công an này rất cẩn thận, biết đó là thẻ báo chí được tự do vào cổng nhưng vẫn phải kiểm tra kỹ xem mặt mình có đúng không mới chịu cho vào. Vào được một đoạn lại phải dừng lại kiểm tra túi xách bằng máy dò tự động. Cuối cùng, chúng tôi cũng vào tận địa điểm dành cho cánh nhà báo tác nghiệp.

Buổi lễ lớn, sân khấu lớn, nhiều tầng bậc cao thấp và cách rất xa “góc báo chí”, nhưng hình như “đại biểu” nhiều quá (theo thông tin bên lề thì có đến 2.000 đại biểu VIP) chiếm hết chỗ ngồi phía khán đài A, nên “góc báo chí” hôm đó đúng là được bố trí ở một... góc, trông rất tội nghiệp. Không có ghế ngồi, góc nhìn lại rất xéo với sân khấu, còn bị mấy cái cần cẩu của đài truyền hình (làm trực tiếp chương trình) chắn ngang phía trước. Nói chung, không có phóng viên nào hài lòng với “góc báo chí” được mà Ban tổ chức bố trí hôm đó. Nhưng rồi, ai cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Lâu nay đi tác nghiệp chỉ mang chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ, thấy như vậy vừa nhẹ vừa tiện. Nhưng khi tác nghiệp tại Festival Huế 2010, mới thấy mình nhỏ bé quá. Nhìn dàn máy ảnh của mấy đồng nghiệp tại đây đúng là không dám lôi máy mình ra chụp hình gì cả. Phần lớn họ sử dụng máy cơ, có ống kính lớn, chân máy cao để chụp được những cảnh xa, bắt kịp tốc độ...

Chưa hết, khi chương trình lễ khai mạc bắt đầu cũng là lúc trời đổ mưa. Cánh phóng viên bắt đầu cuống lên. Hình ảnh minh họa cho bài chưa có thì làm sao bỏ về vào lúc này được. Nhà đài, nhà báo và cả nhà nhiếp ảnh, ai cũng lo bảo vệ chiếc máy ảnh, máy quay của mình hơn cả việc bảo vệ sức khỏe chính mình. Rất ít người mang theo áo mưa, nhưng cũng được trưng dựng để che cho máy khỏi bị ướt, còn mình thì chịu trận dầm mưa. Đa số phóng viên không mang theo áo mưa thì kiếm vội tờ báo, hay nhặt những bịch xốp người ta vứt dưới đất che tạm cho máy ảnh. Đúng là thời tiết ở xứ Huế này như nàng thiếu nữ “đỏng đa đỏng đảnh”, mưa nắng bất thường, nên khó mà đoán trước được tình hình. Nhìn cảnh cánh phóng viên ai cũng “ướt như chuột lột” mà thương cho cái nghề của mình. Một nữ phóng viên báo Thanh Niên còn độc thân, nói vui rằng: “Cũng may, góc này truyền hình không quay đến, chứ nếu quay lên truyền hình, chồng, người yêu xem mà thấy mấy chị em mình tác nghiệp trong hoàn cảnh này chắc gọi điện thoại kêu về liền. Thấy gì mà tội nghiệp quá. Ngồi thì bệt dưới đất, người thì ướt đẫm vì mưa, tay này xách máy, tay kia khoác túi...”. Đó là chưa kể còn bị mấy anh công an thổi còi liên tục, vì ai cũng muốn vượt ra ngoài ranh giới “góc báo chí” để chụp ảnh được rõ hơn.

Sau đêm khai mạc, rất nhiều phóng viên lên tiếng với Ban tổ chức về việc bố trí góc báo chí không thuận lợi cho việc tác nghiệp, nên qua những ngày sau tình hình có vẻ được cải thiện hơn. Các chương trình lễ hội lớn trong những ngày tiếp theo đều có “góc báo chí” lịch sự hơn, có chỗ ngồi đàng hoàng ở một bên khán đài A. Lịch sự thì đã có, nhưng việc tác nghiệp vẫn phải nằm trong khuôn khổ “góc báo chí”, chứ không được “tự do đi lại” như bình thường.

Hơn 6 năm làm nghề báo, đây là lần đầu tiên tôi tác nghiệp tại một lễ hội lớn mang tính quốc gia, thu hút hơn 700 nhà báo trong và ngoài nước đăng ký tác nghiệp. Quả thật, bên cạnh một số chuyện trở ngại gặp phải như trên, lần tác nghiệp này đã cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề. Bên cạnh đó, còn nhận được nhiều tình cảm mà các đồng nghiệp trong nghề dành cho nhau. Các đồng nghiệp cùng tác nghiệp tại Festival Huế 2010 rất nhiệt tình, đặc biệt là những phóng viên “thổ địa” ở Huế. Họ sẵn sàng làm người hướng dẫn, xe thồ và cung cấp thông tin cho nhau mà không hề giấu giếm gì cả. Đối với tôi, đây là một kỳ tác nghiệp ngoài địa phương đầy ăp những kỷ niệm khó quên.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên