Tàu vỏ thép, mơ ước của hàng triệu ngư dân biển bao đời nay, nhưng vì nhiều lý do, cho đến thời điểm hiện tại vẫn là… mơ ước. Lần này, không chỉ là con số 30.000 chiếc tàu mà đi kèm là có đầy đủ cơ chế hỗ trợ, từ lãi suất đến các thủ tục vay vốn, trang thiết bị kỹ thuật. Đặc biệt là sự quyết tâm cao từ người đứng đầu chính phủ, bộ ngành liên quan đến những ngư dân ngày đêm bám biển. Không còn mơ mà là sự thực. Chiếc tàu vỏ thép đầu tiên được một doanh nghiệp Nhà nước trao tay ngư dân Quảng Ngãi đã trở về sau 40 ngày có mặt ở ngư trường Trường Sa. Chưa cần nói đến hiệu quả khai thác hải sản sau chuyến hải trình dài ngày với con tàu hiện đại mà hãy nghe lời tâm sự của ngư dân rằng họ rất vững tin với “sóng to, biển lớn” cũng đã cảm thấy thỏa lòng!
Tàu vỏ thép mã lực lớn để ngư dân có điều kiện vươn khơi khai thác nguồn lợi kinh tế làm giàu cho đất nước đó là chiến lược không cần phải bàn cãi. Nhưng hỗ trợ ngư dân đóng tàu cứng, tàu to, đủ dũng mãnh ngang dọc trên vùng biển quê hương cũng chính là để không một ai, thế lực nào dám “bắt nạt” như thường thấy. Bao đời nay, ngư dân với những chiếc “thuyền nan be bé” vẫn sẵn lòng ra biển lớn với bao rủi ro rình rập. Vậy hà cớ gì khi có tàu vỏ thép họ lại không dám ra khơi! Hơn ai hết, ngư dân sẵn sàng ra khơi xa khi chưa đủ phương tiện ngang tầm là bởi họ hiểu, ngoài mục đích kinh tế còn trách nhiệm lớn lao hơn là bảo vệ vùng biển thân yêu, bảo vệ chủ quyền của quốc gia.
Vậy nên, đầu tư tàu vỏ thép cho ngư dân cũng chính là đầu tư cho chiến lược bảo vệ biên cương, hải đảo. Có thể kỳ vọng rằng, trong một tương lai gần, 30.000 chiếc tàu vỏ thép từ 600 mã lực trở lên sẽ hình thành cả một “vành đai thép” trên biển Đông khi Tổ quốc cần.
Dồn lực cho biển Đông, trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp đang diễn ra cũng đã thể hiện sự đồng lòng. Chính phủ cũng đã quyết và ngư dân hồ hởi đón nhận, sự đồng thuận trên cả kỳ vọng như một “hòn đá tảng” để củng cố lòng tin, xây dựng “vành đai thép” để bảo vệ vững chắc biển trời thân yêu mà bao đời nay cha ông đã xác lập chủ quyền.
CẢNH HƯỞNG