Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Kết nối để nâng tầm

Thứ hai, ngày 24/06/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

  Đại lộ Bình Dương được xây dựng hiện đại tạo sự kết nối vùng rất thuận lợi Ảnh: QUỐC CHIẾN

 “Cửa chính của anh là cửa phụ của tôi…”

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von như vậy trong buổi khảo sát thực trạng, kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương mới đây. Ông Thiên chỉ ra một thực tế về mối quan hệ kết nối hạ tầng, không chỉ ở VKTTĐPN mà là thực trạng phổ biến của cả nước, đó là các địa phương chỉ lo chú trọng đầu tư, phát triển kết nối hạ tầng phục vụ chính cho sự phát triển của mình, không quan tâm đến việc làm sao để kết nối với các địa phương láng giềng nếu như nhận thấy không mang lại lợi ích nào đó cho chính địa phương mình. Trên thực tế, yếu tố hạ tầng như hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ tại các địa phương giáp ranh đã chỉ ra điều này. Đơn cử, về giao thông đường thủy, VKTTĐPN với sông Đồng Nai, sông Sài Gòn lại có hệ thống cảng biển hiện hữu như cảng Sài Gòn, Thị Vải… nhưng một số địa phương lại chưa thể phát huy được tiềm năng phát triển ngành logistic. Đơn giản bởi độ tĩnh không của một số chiếc cầu không cho phép lưu hành những con tàu, xà lan có trọng tải lớn bởi lý do: “Cửa chính của anh là cửa phụ của tôi…!”.

Chính vì thế, theo ông Thiên, mặc dù VKTTĐPN đã hình thành khá lâu, có ban chỉ đạo, điều hành nhưng đến nay vẫn chưa có sự kết nối, yếu tố phát triển vùng cũng chưa được định hình. Do vậy, ông Thiên cho rằng, cần phải có một khảo sát toàn diện về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng, nhu cầu phát triển và những lực cản tác động đến sự phát triển của từng địa phương cũng như cả vùng, từ đó nhằm đả thông các “kinh mạch”. “Với TP.HCM họ không muốn dời cảng Sài Gòn đi, sân bay Tân Sơn Nhất cũng vậy, vì chuyển đi họ sẽ mất những nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên, với các địa phương khác lại muốn chuyển cảng ra Thị Vải, sân bay ra Long Thành…”.

Kết nối để phát triển

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho rằng, nếu sự kết nối để phát triển trong VKTTĐPN được hình thành, sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển riêng của từng địa phương cũng như sự phát triển chung của cả vùng lên một tầm cao mới, cả về trước mắt và lâu dài. “Quy hoạch vùng, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng phải được kết nối trên thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua việc điều hành, thực thi vẫn chưa làm được. Vì vậy, vấn đề này cần được giải quyết bằng một cơ chế đặc thù, Ban điều hành quy hoạch của vùng phải có được thẩm quyền…”, ông Cung khuyến nghị.

“Có địa phương muốn làm cái này, có địa phương lại không muốn làm. Ví như sửa, nâng độ tĩnh không của cầu đường sắt Bình Lợi, TP.HCM không làm thì với họ chẳng sao, nhưng lại kẹt cho Bình Dương. Tư tưởng cục bộ địa phương bộc lộ rất rõ và điều này là khó chấp nhận trong mối quan hệ kết nối phát triển vùng. Vì vậy, cần phải có cơ chế để giải quyết những tư tưởng kiểu này…”

 (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TRẦN ĐÌNH THIÊN)

Nhìn vào sức ép về mặt hạ tầng do sự phát triển “nóng” cũng như do chưa có sự kết nối trong vùng để chia sẻ, bổ trợ điểm yếu, thế mạnh cho nhau, nếu không có cơ chế đặc thù để phát triển vùng trong VKTTĐPN sớm, những hậu quả không mong muốn sẽ nhãn tiền trong 3 đến 5 năm nữa. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, sức ép về hạ tầng xã hội đang lớn hơn bao giờ hết. Hiện nay, với dân số gần 2 triệu người, trong đó 50% là người lao động nhập cư, Bình Dương đang phải chịu sức ép “ghê gớm” về hạ tầng giáo dục, y tế. Đối với ngành giáo dục, hàng năm số lượng học sinh đi học tăng trưởng ở mức trên 22%. Theo tính toán, Bình Dương cần phải đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm để xây thêm trường học, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương phải đóng về Trung ương, phần còn lại phân bổ đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giáo dục nhưng cũng không thể đáp ứng được yêu cầu… Do đó, nếu tình hình này không được cải thiện, với tốc độ tăng trưởng học sinh đến trường như hiện nay, trong vòng 5 năm nữa, các trường học của địa phương có thể phải phân ra 3 ca học. Trên lĩnh vực y tế, các bệnh viện cũng sẽ rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Chính sách an sinh xã hội không bảo đảm được thì sẽ rất khó phát triển hơn được nữa…

Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, để giải quyết những mâu thuẫn trong phát triển vùng cần phải có phương pháp, thể chế đặc thù để kết nối và phát triển vùng. “Kết nối để phát triển vùng không chỉ là tháo gỡ những vướng mắc khó khăn hiện tại mà phải tái cơ cấu để đột phá, phát triển lên một tầm cao mới vì một số địa phương đã phát triển kịch trần…”, ông Thiên nói.

ĐÀM THANH