Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Giữ vững đà tăng trưởng,tạo thế và lực mới

Cập nhật: 01-06-2020 | 08:18:43

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - trung tâm kinh tế năng động và lớn nhất cả nước, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển giao thông liên kết vùng, một trong những vấn đề được đặt ra tại hội nghị. Trong ảnh: Bình Dương đang đầu tư mở rộng quốc lộ 13 để đáp ứng nhu cầu. Ảnh: XUÂN THI

Giữ vững chỉ tiêu

Phát biểu khai mạc hội nghị, đề cập đến nguyên nhân của thắng lợi bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta có quyết sách đúng, kịp thời, đi trước. Đồng thời thực hiện mục tiêu kép, kiên quyết phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn. Với vai trò quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 42% GDP cả nước, 43% thu ngân sách, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng đóng góp ý kiến tâm huyết để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, bộ, ngành đưa ra quyết sách đúng, có lối đi, cách làm tốt hơn.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố trong vùng cam kết hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng nhiều vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định dù ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn, song Bình Dương vẫn nỗ lực giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 là 8,86%. Đồng thời tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện việc giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng, cùng các tỉnh thành vượt qua thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trước những cơ hội đang chờ đón, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, khẳng định: “Theo chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều chương trình lớn từ trước Covid-19, dịch chuyển sản xuất hướng tới công nghiệp 4.0. Hiện nay, Becamex IDC, bao gồm cả VSIP, BW (liên doanh với Quỹ Warburg Pincus của Hoa Kỳ), đã phát triển các khu công nghiệp và logistics trên nhiều tỉnh thành cả nước. Hiện tại, Becamex IDC, VSIP và BW đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tốt nhất với gần 4.000 ha chờ đón nhà đầu tư mới, cũng như đã hoàn thành 200.000m² nhà xưởng. Becamex IDC không chỉ phát triển khu công nghiệp mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất”.

Ông Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Chính phủ cần ủng hộ, tạo điều kiện cho các ý tưởng mới phù hợp yêu cầu thời đại, tăng lợi thế cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong thời kỳ hậu Covid-19, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt. Chính phủ cần quan tâm, cải cách thủ tục nhanh gọn, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đang khao khát tìm kiếm những thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp hiện hữu còn đang gặp khó khăn, vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cũng là giải pháp cụ thể nhất để chung tay tháo gỡ khó khăn, nắm bắt thời cơ vươn lên.

Đầu tư hạ tầng liên kết vùng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị, quy mô hàng đầu Đông Nam Á và cả khu vực châu Á. 10 năm, 20 năm hay 30 năm thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta”. Thủ tướng cho rằng, TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh còn lại sẽ là “bát giác kim cương”. Do đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đạt mục tiêu, về đích sớm hơn ít nhất 10 năm trong mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tức vào năm 2035. Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu đó, các địa phương cần phải đoàn kết phát triển trong một tầm nhìn. Quy hoạch phát triển vùng TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang được xác định có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.

Để kết nối vùng cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết, nhất là các tuyến cao tốc, hệ thống cảng - logistics... tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, các địa phương cũng phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Khi doanh nghiệp có thêm cơ hội để phát triển thì đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào kinh tế cho toàn vùng sẽ nhiều hơn. Từng địa phương cần đặt lợi ích chung của vùng lên hàng đầu, tránh tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ. Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu có cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hỗ trợ để các địa phương sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Với những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp từ 55 - 60%, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, mở rộng hoặc quy hoạch để đón làn sóng đầu tư mới; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho khu công nghiệp, khu đô thị; Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất các loại hình giao thông liên kết vùng.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Bình Dương mong sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13 thuộc TP.Hồ Chí Minh để tăng kết nối, lưu thông vùng. Tỉnh cũng mong Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục việc chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nhằm khắc phục sự trì trệ, thúc đẩy phát triển chung của cả vùng. Bình Dương đã và đang triển khai thực hiện các tuyến đường kết nối này.q

-Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:
Bình Dương mong sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng quốc lộ 13 đoạn thuộc TP.Hồ Chí Minh để tăng kết nối, lưu thông vùng. Tỉnh cũng mong Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục việc chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nhằm khắc phục sự trì trệ, thúc đẩy phát triển chung của cả vùng.
-Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:
Trung ương tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, hệ thống cảng logictics. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, Vành đai 3, Vành đai 4…
-Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước:
Bình Phước kiến nghị Trung ương sớm đầu tư tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư và tuyến đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư nhằm giảm áp lực vận tải cho các tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 14, phục vụ phát triển các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.
-Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright:
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải chiếc lò xo bung ra mạnh nhất khi chiếm trên 42% GDP cả nước. Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phải có liên kết vùng thì sẽ có địa lợi. Nhân hòa chính là hành động, lãnh đạo địa phương phải có sự trăn trở về sự phát triển của mình.

NGỌC THANH - TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên