Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Vươn lên bằng đất đi… thuê!

Thứ hai, ngày 22/07/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

 Vất vả mưu sinh

Bước từng bước chân khập khiễng ra ao nuôi cá kết hợp trồng bông súng do chính tay mình gầy dựng, ông Hồ Văn Mãi (sinh năm 1962 tại An Giang) cho biết: “Sau trận đánh biên giới Vĩnh Xương- Kandal năm 1979, tôi bị thương nặng và giải ngũ”. Trở về quê nhà như bao người con khác của vùng đất Tân Châu (An Giang), ông Mãi lập gia đình và làm nông tại nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng đất không có, nghề nghiệp cũng không, lại ít học nên cuộc sống gia đình ông khá khó khăn. Ông phải bỏ xứ đi làm thuê nhiều nơi. Đầu năm 2000, ông về Bình Dương và tiếp tục công việc làm thuê để kiếm tiền gửi về nuôi cậu con trai ăn học.  Ông Mãi bên ao bông súng kết hợp với nuôi cá mang lại thu nhập tốt cho gia đình

Trong một lần đi làm thuê ngang qua xã Tương Bình Hiệp, thấy nhiều mảnh đất gần sông Sài Gòn còn bị bỏ hoang. Vốn là nông dân nên ông Mãi hiểu được giá trị của những mảnh đất ấy nếu được cải tạo. Trong đầu ông Mãi đã thoáng hiện lên việc biến những mảnh đất hoang đó thành những cái ao để nuôi cá, nuôi vịt... trở thành nguồn sống của gia đình mình. Trăn trở, ấp ủ giấc mơ đổi đời trên vùng đất mới, cuối cùng ông Mãi mạnh dạn lân la, dò hỏi và tìm chủ nhân miếng đất để đặt vấn đề liên kết làm ăn và “thật may cho tôi là người chủ đất đã cho thuê lại với giá rẻ, tạo điều kiện để tôi có thể kiếm sống được”, ông Mãi chia sẻ.

Được sự động viên của người nhà và bạn bè, ông Mãi về quê vay mượn bà con hơn 20 triệu đồng, quay lên Bình Dương đặt cọc thuê đất, nhanh chóng bắt tay đào ao nuôi cá, phần còn lại thì ông tận dụng mua vịt về nuôi. Ông Mãi cho biết thêm: “Khu đất này cỏ mọc ngang đầu, không có tiền mướn máy cơ giới, nên tôi hì hục đào ao bất chấp gian khó, một ngày tôi đào khoảng 15m3 đất giữa cánh đồng nắng chang chang, giờ nghĩ lại không hiểu sao mình lại làm được như vậy”. Cặm cụi riết, cuối cùng ông Mãi cũng đã cải tạo, định hình xong khu đất hoang thành ao cá, chuồng vịt theo ý muốn của mình, cất thêm cái nhà lá làm nơi trú thân cho 2 vợ chồng đã luống tuổi.

Nhìn cậu con trai ông Mãi cứ siết chặt bàn tay ba, chúng tôi hiểu động lực để ông lao động, biến hơn 1 ha đất hoang kia thành mảnh đất “đẻ ra tiền” như hiện tại. Ông Mãi cho biết: “Tôi chỉ có mình cháu nó thôi, cháu thi lên lớp 10 tại quê xong rồi nên lên đây chơi. Tôi cố gắng làm để lo cho cháu ăn học nên người, chứ không có trình độ thì cực lắm”.

Đừng nản chí

Cái ao được hoàn thành nhưng chưa cho ông Mãi thu lại vốn ngay, mà dường như đang muốn thử thách thêm ý chí của người đàn ông có ánh mắt rất cương nghị này. Gần 2/3 số cá ông thả nuôi ban đầu bị chết do chưa hợp môi trường sống, số còn lại thì cũng theo dòng nước đi mất sau mỗi lần trời mưa lớn tràn bờ. Đàn vịt nuôi thì không được giá: “Tôi đứt từng khúc ruột, khi hình dung đến số nợ gần 70 triệu đồng”, ông Mãi bùi ngùi tâm sự.

Quyết tâm bám trụ với mảnh đất mà mình đã mất bao ngày tháng khai hoang mới có được. Nhưng ông lại bị rơi vào cái vòng lẩn quẩn của câu hỏi “nguồn vốn - kỹ thuật chăn nuôi - đầu ra thị trường”. Rồi một tia sáng lóe lên, ông nhớ lại những bụi hoa mọc trên mặt nước có màu tím, rất hay được sử dụng ăn kèm trong món lẩu, canh chua, bún mắm của người Nam bộ - cây bông súng. Đó là loại cây dễ mọc, chỉ cần chỗ có bùn, nước là sống được… Ngày ngày, ông chèo xuồng ven các con sông gần đó để vớt từng bụi súng về trồng trong ao của mình. Nhưng rồi các bụi súng cứ chết dần, chết mòn, số còn lại thì cũng èo uột. “Tôi không hiểu sao một thứ cây dễ trồng như bông súng mà vẫn không tồn tại trên khu đất mà mình cải tạo. Lẽ nào, tôi chỉ có thể làm thuê làm mướn mà không có duyên làm giàu sao?”.

Làm tiếp thì không có vốn mà bỏ thì số tiền đã vay mướn để đầu tư lấy đâu để trả. Thế là ông quyết định mày mò thử nghiệm. Ban đầu ông thử bùn, sau đó ông thử nước. Nước ở đây độ phèn cao quá nên ông nghĩ đó có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc vật nuôi hay cây trồng của ông bị chết. Ông Mãi quyết định dùng các biện pháp để khử phèn và đã thành công bước đầu.

Hiện tại, dù chưa có hiệu quả cao nhưng số lượng cá và hoa súng cũng đã xuất bán và mang lại nguồn thu đáng kể. Ông cho biết: “Tôi đã trả hết nợ và cuộc sống gia đình đã đi vào ổn định cũng nhờ ao bông súng kết hợp với nuôi cá, nuôi vịt. Tôi sẽ cố gắng để mở rộng thêm quy mô sản xuất để tăng cao nguồn thu nhập”. Ông Mãi chia sẻ: “Muốn thoát nghèo không khó, quan trọng nhất là ý chí và phải chọn được mô hình kinh tế phù hợp, chịu tìm tòi học hỏi để vượt qua thất bại, đừng nản chí...”.

CHÍ THANH - HẢI YẾN