WB: Việt Nam cần ưu tiên tập trung đầu tư vào công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng

Cập nhật: 20-04-2010 | 00:00:00

Báo cáo "Làn gió mới: Tương lai Năng lượng Bền vững của Đông Á" từ Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, các khoản đầu tư lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và đồng loạt chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam có thể giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường an ninh năng lượng đồng thời cải thiện môi trường trong nước. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, nếu tiếp tục sử dụng năng lượng như hiện nay, Việt Nam sẽ có thể phải nhập khẩu năng lượng từ sau năm 2030.

Theo báo cáo, GDP tại khu vực Đông Á tăng 10 lần trong vòng ba thập kỷ qua đã dẫn đến việc lượng tiêu thụ năng lượng tăng gấp ba lần và dự kiến sẽ tăng gấp hai trong vòng hai thập kỷ tới do quy mô dân số đô thị tăng 50% và quá trình công nghiệp hoá vẫn đang diễn ra tại khu vực. Báo cáo kêu gọi các chính phủ phải hành động ngay để chuyển đổi ngành năng lượng của họ sang hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và sử dụng rộng rãi năng lượng sạch hơn trước khi quá muộn. "Cánh cửa cơ hội đang đóng lại rất nhanh vì hành động chậm trễ sẽ khiến cho khu vực phải tiếp tục đối phó với tình trạng cơ sở hạ tầng các-bon cao đã tồn tại trong thời gian dài", báo cáo cho biết

Trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam đã  đạt được tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, và kéo theo đó là nhu cầu năng lượng tăng hơn 2 lần và dự kiến có thể tiếp tục tăng gấp đôi trong 10 năm nữa nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ngoạn mục như hiện nay. Việt Nam là một trong 10 quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu nhất, do một nửa dân số của Việt Nam sống dọc vùng duyên hải và tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Báo cáo cho biết, nếu Việt Nam tiếp tục phát triển ngành năng lượng theo hướng hiện tại, thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập khẩu năng lượng. 

Việt Nam đã phát động Chương trình Quốc gia về  Năng lượng Bền vững, tuy nhiên, để thực hiện được, Việt Nam cần có khung chính sách, khuôn khổ pháp l‎ý và khung thể chế. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã giảm 2% cường độ sử dụng năng lượng mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc trong nỗ lực vì tương lai năng lượng bền vững của khu vực. Chính phủ đã dự thảo Luật bảo tồn năng lượng và hiện tại dự luật này đang được xem xét. Việc mua sắm công các sản phẩm sử dụng hiệu quả năng lượng như một triệu đèn huỳnh quang compact với những thông số kỹ thuật phù hợp đã làm giảm nhu cầu về năng lượng ở mức đỉnh điểm xuống 30 MW trong nỗ lực xây dựng một thị trường chiếu sáng thân thiện với môi trường hơn. Ngành công nghiệp là ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất. Trong thập kỷ tới, Việt Nam cần ưu tiên tập trung đầu tư vào công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng tại các nhà máy công nghiệp mới. Chỉ riêng công suất của các nhà máy công nghiệp mới này sẽ tạo ra công suất lớn hơn công suất hiện tại của toàn ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay. Các tiêu chuẩn và việc dán nhãn hiệu quả sử dụng năng lượng cũng có thể làm thay đổi thị trường đồ gia dụng. Quy hoạch đô thị và vận tải công cộng có tác động lớn nhất trong việc giảm thiểu nhu cầu về năng lượng cho ngành vận tải đô thị.  

Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch triệt để để phát triển thủy điện, tuy nhiên cần đưa ra những chính sách để khuyến khích sản xuất điện bằng các nguồn năng lượng tái chế tốn ít kinh phí và sử dụng khí tự nhiên. Ngoài các nhà máy thủy điện công suất lớn chiếm 26% công suất điện hiện tại, Việt Nam dự kiến sản xuất 5% công suất điện từ các nguồn năng lượng tái sinh mới vào năm 2020. Việt Nam có nguồn tài nguyên và lượng dự trữ khí lớn. Bằng các chính sách và quy chế định giá ưu đãi, sản xuất và tiêu thụ khí sẽ tăng đáng kể và đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong hai thập kỷ tới. 

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên