Xã An Sơn: Dấu ấn nông thôn mới

Cập nhật: 10-12-2019 | 08:37:31

 Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã An Sơn đã có diện mạo mới với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

 Đường giao thông ở xã An Sơn được xây dựng đồng bộ, khang trang. Ảnh: PHƯƠNG AN

 Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ

Đến xã An Sơn hôm nay, mọi người dễ nhận ra sự đổi thay của vùng đất này. Kinh tế của xã trước đây chủ yếu là nông nghiệp, còn hiện nay thương mại - dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ. Toàn xã hiện có hệ thống hạ tầng cơ sở khá hoàn chỉnh, nổi bật là mạng lưới giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ; hệ thống điện lưới quốc gia, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã...

Ông Trần Thế Phong, Chủ tịch UBND xã, cho biết từ khi được tỉnh chọn xây dựng NTM vào năm 2010 và được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2014, diện mạo của xã đã có nhiều thay đổi. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,2 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch được xã tập trung đầu tư. Hàng năm, xã cân đối, bố tríngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản, như nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn; nạo vét các kênh, rạch trên địa bàn... Đến nay, hệ thống đường trục xã, liên xã cơ bản đã được nhựa hóa và bê tông hóa, đường trục ấp và đường trục chính nội đồng được cứng hóa xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Theo kế hoạch, năm 2020 xã sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn hiện có, bảo đảm theo tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM như đường An Sơn 05, đường An Sơn 07 nối dài, đường An Sơn 14; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công đường An Sơn 01…

Hiện tỷ lệ km đường trục ấp và đường liên ấp của xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải. Toàn xã có 20/28 tuyến đường được bê tông nhựa nóng, bê tông hóa với chiều dài 15.030m, đạt 81,66% tổng chiều dài các tuyến đường do xã quản lý. Toàn xã có 7 tuyến đường có hệ thống chiếu sáng. Trong 10 tháng năm 2019, UBND xã đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng các tuyến đường An Sơn 25, An Sơn 27 và An Sơn 43. Các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn được bảo trì thường xuyên và bảo đảm an toàn giao thông.

Chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 6-2019, xã đã nâng cấp và sửa chữa 12 tuyến đường với chiều dài 6.974m, tổng kinh phíhơn 42,570 tỷ đồng. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân trong xã đã hiến đất làm đường và đóng góp số tiền hơn 20 tỷ đồng cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn. Có thể kể đến các công trình tiêu biểu như đường An Sơn 19 dài 575m, kinh phíxây dựng hơn 252 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 153 triệu đồng; đường An Sơn 37 dài 430m, kinh phíxây dựng hơn 240 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 150 triệu đồng…

 Hoàn thiện thiết chế văn hóa, chợ nông thôn…

Những năm qua, hệ thống thủy lợi của xã bảo đảm tưới, tiêu thoát nước, chống ngập cho vườn cây ăn trái. Trên địa bàn xã hiện có 54 tuyến kênh rạch lớn nhỏ đã được tỉnh, thị xã quan tâm nạo vét, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới và tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vườn cây ăn trái ở địa phương. Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị phương tiện, vật tư phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã hỗ trợ cừ tràm và vỉ tre cho các hộ dân để gia cố bờ bao xung yếu.

Cơ sở vật chất văn hóa của xã cũng được quan tâm đầu tư. Điển hình, Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao xã được xây dựng trên diện tích 6.100m2 đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân trong xã, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho nhân dân; 5/5 ấp có văn phòng ấp, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng (tại ấp An Quới và ấp Phú Hưng) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của người dân trong xã.

Xã cũng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cụ thể là chợ An Sơn được đầu tư xây dựng vào cuối năm 2011 với tổng diện tích đất xây dựng 1.372m2. Chợ được xây dựng khang trang, kiên cố, bảo đảm mỹ quan đô thị và đạt chuẩn chợ dân sinh loại 3, kinh doanh các mặt hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thanh Hảo, người dân ấp Phú Hưng, tâm tình: “Từ khi chợ An Sơn được xây dựng, bà con trong xã chỉ cần ra đây là có thể mua các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ cho bữa cơm hàng ngày. Ngay cả các mặt hàng quần áo, giày dép tại chợ cũng được bày bán đủ các loại, phong phú, đa dạng, chúng tôi có nhiều lựa chọn, không cần phải đi xa như trước đây”.

 PHƯƠNG AN - TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên