Xã An Sơn (Thuận An): Xây dựng nông thôn mới, tạo đà phát triển đi lên

Cập nhật: 01-09-2010 | 00:00:00

 Hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn tại xã An Sơn vừa có tác dụng bảo vệ vườn cây khỏi ngập úng, vừa là công trình giao thông nông thôn hiện đã cơ bản hoàn thànhCùng với sự phát triển đi lên của huyện Thuận An, trong những năm qua An Sơn đã có những bước phát triển mới. Đại hội Đảng bộ xã An Sơn lần thứ X nhiệm kỳ 2010-2015 xác định, cơ cấu kinh tế của xã là nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển địa phương một cách đồng bộ, bền vững theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hiện An Sơn đang ra sức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Có dịp về thăm vùng đất An Sơn anh hùng, đi trên Hương lộ 9 được trải nhựa, trước những vườn cây ăn trái xanh tốt quanh năm và nhìn ngắm những dòng kênh trong xanh mới thấy thoải mái làm sao. Không ít người đã tự đặt ra câu hỏi, không biết sức mạnh nào đã giúp An Sơn từ một vùng đất bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, sớm trở thành một vùng đất trù phú, nhà cửa khang trang, đường giao thông nông thôn rộng mở đến tận các xóm ấp như bây giờ. Một câu trả lời sẽ khó bao hàm hết được, nhưng có một điều chắc chắn rằng, đó chính là công sức, là mồ hôi và cả xương máu của rất nhiều người con quê hương An Sơn đổ xuống trong một thời gian dài để khắc phục hậu quả chiến tranh. Là kết quả của sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự điều hành quản lý sáng suốt của chính quyền và sự cần cù, chịu khó của người dân chân chất nơi đây đã giúp An Sơn vững bước đi lên.Có thể nói, cuộc sống của người dân An Sơn bây giờ so với ngày đất nước mới giải phóng đã tăng hàng chục lần. Đó là điều mà nhiều người dân xã An Sơn đã công nhận và hoàn toàn có cơ sở, bởi khoảng 5 năm sau ngày giải phóng đất nước, ở An Sơn số hộ có nhà tường, phương tiện nghe nhìn, đi lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Còn bây giờ, hầu như hộ nào cũng có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, nhà cửa cũng khang trang, kiên cố hơn rất nhiều. Đặc biệt, từ khi các khu - cụm công nghiệp mở ra trên địa bàn huyện đã thu hút một số lao động nhàn rỗi địa phương vào làm công nhân, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình ở An Sơn. Cuộc sống của bà con, đặc biệt là những hộ nghèo đến nay đều đã ổn định. Về cơ bản, địa phương không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh tre, nứa lá như trước.  Là một xã thuần nông, thế mạnh của An Sơn từ trước đến nay vẫn là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vườn cây ăn trái. Thế nên, ngoài việc vận động, khuyến khích phát triển vườn cây ăn trái, lãnh đạo xã còn tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây con giống, phân bón... để bà con yên tâm sản xuất. Từ đó, nhân dân tiến hành cải tạo vườn tạp, lập các vườn cây ăn trái mới với các loại cây trồng đem lại hiệu quả cao hơn. Để phát triển vườn cây ăn trái, ngoài vận động người dân tự đầu tư chăm sóc, trong năm 2010 huyện Thuận An sẽ hỗ trợ 547 triệu đồng mua phân bón cho bà con nông dân để họ có thêm điều kiện chăm sóc vườn cây tốt hơn. Đến nay, đã cấp phát 182 triệu đồng tiền phân bón cho bà con, số còn lại sẽ cấp phát tiếp vào các đợt sau trong năm. Mới đây, Hội Nông dân huyện cũng đã dự kiến chọn xã An Sơn làm thí điểm xây dựng thương hiệu trái măng cụt. Nếu điều này được thực hiện thành công, vườn cây An Sơn sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn và bà con nông dân nơi đây cũng có thêm cơ hội quảng bá trái cây xứ mình.

Những năm gần đây, hệ thống cầu - đường nông thôn ở An Sơn thường xuyên được quan tâm đầu tư. Đến nay, về cơ bản An Sơn đã xóa hết cầu tạm, xã còn phối hợp với huyện và tỉnh nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường nhựa, như Hương lộ 9, đường AS01, AS02, AS20... Đây chính là sự khởi đầu, tạo điều kiện để An Sơn phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công trình hệ thống đê bao thủy lợi An Sơn - Lái Thiêu (do tỉnh và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng), nhằm phòng chống ngập úng và phát triển giao thông nông thôn được thực hiện trên địa bàn xã là một công trình có ý nghĩa quan trọng. Đây là công trình kết hợp vừa là đê bao vừa là giao thông nông thôn. Đến nay, công trình đã hoàn thành, góp phần làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn An Sơn.

Ngoài ra, hiện nay tỉnh đang quy hoạch xây dựng dự án khu cụm kho cảng rộng 47 ha trên địa bàn xã An Sơn (hiện đang trong quá trình đền bù giải tỏa). Nếu thực hiện xong dự án này, địa phương sẽ có sự thay đổi thêm một bước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tiếp đó, ngày 14-7-2010, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2064/QĐUB, trong đó chọn An Sơn thực hiện thí điểm xã NTM. Qua khảo sát, hiện An Sơn đã đạt được 13/19 tiêu chí xã NTM. Với một vùng đất năng động, lãnh đạo Đảng bộ đoàn kết, chính quyền địa phương luôn lắng nghe và thấu hiểu người dân như An Sơn, chúng tôi tin chắc một ngày không xa, An Sơn sẽ là xã NTM của tỉnh.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên