Xã An Sơn (TP.Thuận An): Vườn đặc sản mời gọi du khách

Cập nhật: 18-05-2020 | 09:09:22

 Tại An Sơn vẫn còn gìn giữ khá nguyên vẹn vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt Lái Thiêu. Mặc dù, theo kế hoạch về đầu tư, phát triển nông nghiệp đô thị, giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nâng cao chất lượng vườn gắn với phát triển du lịch, nhưng đến nay vẫn chỉ dưới dạng tiềm năng.

 Ông Nguyễn Văn Ngoan bên vườn cây đặc sản của gia đình rộng hơn 6.000m2 tại ấp An Mỹ, xã An Sơn

 Ông Trần Văn Viễn, ngụ ấp Phú Hưng, xã An Sơn là một trong những người rất tâm huyết với vườn xây ăn trái, chủ yếu là đặc sản măng cụt Lái Thiêu. Ông cũng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp An Sơn. Thời gian qua, ông đầu tư chăm sóc vườn cây đặc sản măng cụt và một số loại trái cây cho hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh. Vườn cây ăn trái của ông khoảng 40.000m2, trồng chủ yếu cây măng cụt với hơn 600 gốc. Đặt biệt vườn măng cụt của ông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mang thương hiệu “măng cụt Lái Thiêu”, đủ điều kiện xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, ông còn xen canh một số loại cây ăn trái khác như dâu, mít tố nữ, mít Thái và hơn 400 gốc bưởi da xanh ruột đỏ cho thu hoạch quanh năm. Ông Viễn cho biết: “Rất mong muốn tỉnh cũng như TP.Thuận An, xã An Sơn có chiến lược thúc đẩy du lịch sinh thái miệt vườn phát triển. Tôi sẽ tiên phong tham gia chủ trương này”.

Ông Nguyễn Văn Ngoan, chủ vườn cây đặc sản măng cụt Lái Thiêu rộng hơn 6.000m2 tại ấp An Mỹ, xã An Sơn, cho biết trước đây đã có vài đơn vị làm du lịch ở TP.Hồ Chí Minh đến tham quan và đặt vấn đề về du lịch sinh thái vườn cây. Tuy nhiên, sau đó không thấy quay trở lại. Hiện tại, vườn cây của ông Ngoan, ngoài măng cụt còn có 100 gốc bưởi da xanh, dừa, chuối, mít tố nữ, ao cá. Vườn cây tỏa bóng mát, cho trái quanh năm là điều kiện tuyệt vời cho du khách thích khám phá, tìm hiểm thêm về đất và người Lái Thiêu. Do đó, ông Ngoan rất kỳ vọng một ngày nào đó, vườn cây sẽ đón đông khách tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng.

Hiện xã An Sơn có khoảng 202 ha diện tích trồng cây măng cụt. Xã có địa hình dọc sông Sài Gòn với chiều dài 4km, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái. Những năm qua, xã An Sơn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch. Hệ thống đường trục xã, liên xã cơ bản đã được nhựa hóa và bê tông hóa 20 tuyến, đường trục ấp và đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi. Hệ thống thủy lợi bảo đảm được việc tưới, tiêu, thoát nước, chống ngập cho vườn cây ăn trái. Hệ thống lưới điện, internet được đầu tư phục vụ dân sinh. Hiện trên địa bàn xã có 4 tổ hợp tác và 1 câu lạc bộ trồng, chăm sóc cây kiểng, chăm sóc vườn cây ăn trái chất lượng cao. Đa số các thành viên tổ hợp tác học tập lẫn nhau về kinh nghiệm, cách chăm sóc để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, góp phần tăng thu nhập. Xã cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ nông dân kiến thức về chăm sóc vườn cây ăn trái. Đặc biệt, xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn với 11 thành viên, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay có 6 hộ được công nhận đạt chuẩn.

Ông Đinh Văn Hậu, Phó Bí thư Đảng ủy xã An Sơn cho biết, để nâng cao chất lượng vườn cây gắn với du lịch sinh thái, trong thời gian tới, xã An Sơn từng bước phục hồi, phát triển vườn cây ăn trái, tạo điều kiện để hướng tới phát triển du lịch sinh thái theo đúng định hướng. Phát triển và nâng cao hiệu quả vườn cây ăn trái trên cơ sở khai thác diện tích vườn cây hiện có bằng các giải pháp đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, giống, tập huấn sản xuất theo hướng VietGAP. Đầu tư phát triển các loại cây ăn quả đặc sản trên địa bàn như măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon, mít tố nữ. Đặc biệt là khai thác tốt tiềm năng lợi thế ven sông, tập trung đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường đê bao ven sông Sài Gòn tạo sự liên kết với hệ thống giao thông TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một nhằm tạo sức bật cho ngành du lịch - dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, kết hợp du lịch tâm linh tại chùa Niệm Phật hoặc di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình thần An Sơn. Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn trong sản xuất nông nghiệp gắn với hỗ trợ nông dân tìm đầu ra các sản phẩm; xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh, chất lượng, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 VĂN TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên