Xã hội hóa chợ: Đừng để xảy ra “cốc mò, cò xơi”!

Cập nhật: 08-05-2013 | 00:00:00

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm gia tăng nhu cầu thương mại - dịch vụ ở nhiều địa phương và loại hình chợ xã, phường đã đáp ứng tốt nhu cầu này; góp phần quan trọng để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Thực tế cho thấy nơi nào có sự quan tâm quyết liệt của chính quyền địa phương thì chợ xã, phường nơi đó phát triển. Ngược lại, nhiều chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị...   Chợ Phú Văn (phường Phú Thọ) tuy nằm trong quy hoạch nhưng do diện tích chật hẹp, chưa có nhà đầu tư nâng cấp chợ nên đang tạo áp lực lớn cho địa phương về vấn đề chợ tự phát 

 Nơi cần thì chưa có!

Chủ tịch UBND phường Phú Thọ (TP.TDM) Vũ Đức Phong nêu: “Hiện nay, nếu địa phương không quản lý tốt thì nơi nào đông dân cư, có nhà máy, xí nghiệp thì nơi đó sẽ phát sinh chợ tự phát với cảnh mua bán rất lộn xộn, gây mất trật tự giao thông, làm xấu mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường, rất khó xử lý”. Theo ông Phong, trên địa bàn phường Phú Thọ hiện có 2 chợ hoạt động theo loại hình chợ truyền thống là chợ Phú Văn rộng chừng 1.000m2, hình thành từ sau ngày giải phóng, đến nay dãy nhà lồng chợ đã xuống cấp. Chợ tự phát trên đường 30-4, phía trước trường THPT Võ Minh Đức, nên còn được gọi là chợ Võ Minh Đức. Do hình thành tự phát nên chợ Võ Minh Đức không hề có nhà lồng mà chỉ có sạp chợ hình thành tạm bợ dọc hai bên lề đường, cùng với các xe bán hàng di động hoạt động rất lộn xộn gây ách tắc giao thông mà người dân nơi đây quen gọi bằng cái tên khá hình tượng là “chợ đuổi”.

Ông Phong cho biết thêm: “Địa phương chúng tôi hiện đang rất khó khăn trong việc tìm đất và nhà đầu tư để xây dựng chợ. Chợ Phú Văn tuy nằm trong quy hoạch nhưng diện tích quá chật hẹp, chỉ đủ bố trí nhà lồng chợ nên không còn đất để xây dựng khu phố chợ và các hạng mục cần thiết như nơi để xe, khu xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn. Nếu giải tỏa thêm thì quá tốn kém, ngoài khả năng của địa phương. Còn ở khu vực chợ tự phát 30-4 cũng vậy, rất khó tìm được mặt bằng phù hợp để bố trí chợ đúng tiêu chuẩn, hợp quy hoạch”.

Nơi có lại thiếu sự quan tâm?!

Chủ Doanh nghiệp (DN) Tư nhân chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.TDM Trịnh Thị Ngọc Dung, cho biết: Muốn giải thể DN cho xong, mà giải thể thì bà con tiểu thương đã gắn bó với mình lâu nay họ sẽ đi đâu, làm gì? Còn đeo bám thì không biết tiểu thương của mình còn chịu đựng được bao lâu. Tiểu thương có sống được thì nhà đầu tư mới sống, còn tiểu thương làm ăn thua lỗ thì mình cũng chết theo! Hiện tại đã có nhiều người lên tiếng sang sạp, nghỉ bán nhưng chẳng thấy ai quan tâm”.

 Chủ đầu tư chợ Bình Điềm (P.Phú Hòa) Trịnh Thị Ngọc Dung: “Người bán ngoài đường nhiều gấp mấy lần trong chợ?”

Chợ Bình Điềm hình thành và hoạt động đã qua 3 nhiệm kỳ Chủ tịch phường rồi nhưng hiện tại, số hộ mua bán lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự giao thông, ô nhiễm đường phố nhiều gấp mấy lần tiểu thương mua bán hợp pháp trong chợ! Chúng tôi đã phản ảnh nhiều, nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết! Hiện tại cũng nghe họp bàn để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực thi…

Tiểu thương bán thịt heo chợ Phú Mỹ Võ Thị Hương:“Chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi!”

Chính quyền địa phương đã nhiều lần hứa dẹp chợ tự phát bằng cách phát thanh trên loa, gửi văn bản và đưa hình ảnh những người vi phạm lên đài truyền hình… nhưng đến nay vẫn chưa thấy làm. Kính mong lãnh đạo làm sớm vì tiểu thương chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi!

Theo chủ đầu tư thì chợ Bình Điềm được hình thành cách nay gần 5 năm trên cơ sở vận động của địa phương theo hướng xã hội hóa nhằm giúp người mua bán nhỏ có chỗ mua bán ổn định; góp phần cùng địa phương khắc phục tình trạng chợ tự phát hình thành tràn lan, mua bán lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự giao thông, ô nhiễm môi trường… Do lúc đầu hoạt động chưa biết nhu cầu của thị trường thế nào, nên DN phải đầu tư theo hướng “vết dầu loang”, tức là nhu cầu đến đâu DN mở rộng mặt bằng đến đó. Tháng đầu tiểu thương vào chợ rất đông nhờ có sự hỗ trợ tích cực của lực lượng dân quân phối hợp với đội quy tắc phường, nhưng không hiểu vì sao khi lực lượng rút đi thì tiểu thương bỏ sạp tràn ra đường thuê mặt bằng bán đủ thứ làm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm đường phố. Hiện nay số hộ mua bán bên ngoài nhiều gấp ba, bốn lần số hộ mua bán trong chợ. Lâu lâu, phường lại cho xe công vụ xuống đẩy đuổi lấy lệ và đâu lại hoàn đấy khi lực lượng ra về!

Cùng cảnh ngộ như bà Dung, bà Phạm Thị Diệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Diệp Tâm Thảo, chủ đầu tư chợ Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.TDM) cũng cho biết: “Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng chợ xã, phường theo hướng xã hội hóa, chúng tôi đã huy động vốn liếng trong anh em dòng họ và vay mượn thêm bên ngoài để đầu tư ngôi chợ khang trang, sạch đẹp cho tiểu thương có chỗ buôn bán đàng hoàng, hợp pháp. Tháng đầu tiểu thương vào đăng ký ngồi kín hết chỗ, nhưng chỉ 1 tháng sau người ta rút dần ra đường, bỏ lại ngôi chợ trống không trong sự bất lực của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Trong các lần gặp gỡ, đối thoại với tiểu thương, lãnh đạo phường đã hứa sẽ dẹp chợ tự phát, ổn định trật tự bằng cách phát loa kêu gọi, gửi văn bản, kể cả lên đài truyền hình… nhưng đã 1 năm trôi qua chúng tôi mòn mỏi chờ đợi mà vẫn chưa có kết quả”!

Chợ truyền thống thừa sức sống

“Hệ thống chợ xã, phường (chợ nông thôn) giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trừ các địa phương nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia thì được Nhà nước đầu tư chợ, còn lại đều phải xã hội hóa. Thực tế cho thấy nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì hệ thống chợ nơi đó hoạt động tốt, ngược lại là tình trạng tiểu thương bỏ chợ ra ngoài tranh mua tranh bán, phát sinh rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Do vậy, cần phải cương quyết trong vấn đề này, trước nhất là dẹp chợ tự phát và ổn định trật tự tại các chợ hiện hữu.

(Phó Giám đốc Sở Công Thương Hồ Văn Bình)

Giải thích vì sao chợ truyền thống vẫn còn sức sống trước sự xuất hiện rầm rộ của các loại hình thương mại - dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, mua bán trực tuyến qua mạng… Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Vũ Đức Phong đưa ra hình ảnh hết sức sinh động: “Ngay tại chợ Thủ Dầu Một, phía trước là siêu thị hiện đại, nhưng phía sau là chợ truyền thống buôn bán sầm uất. Hay cạnh bên Siêu thị Co.opMart lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào mua sắm thì chợ tự phát Võ Minh Đức gần đó cũng sôi động không kém? Địa phương rất đau đầu tìm cách dẹp chợ tự phát, nhưng rất khó. Lý do những ngôi chợ nhỏ xíu với cách mua bán theo kiểu “chợ đuổi” mà vẫn có người mua kẻ bán là bởi cứ ở đâu có cầu thì ở đó có cung theo quy luật của thị trường!

Theo ông Phong, để giải quyết bài toán này cần phải tìm hiểu kỹ cả 2 mặt của vấn đề là nhu cầu tiêu dùng phù hợp với quy luật vận động của thị trường và vai trò quản lý của Nhà nước. Cụ thể, mọi công dân đều có quyền tự do mua bán, nhưng phải đúng quy định và bảo đảm an ninh trật tự. Người bán không đúng nơi quy định làm mất trật tự giao thông, ô nhiễm môi trường; thì người mua hàng của những người buôn bán vi phạm cũng phải bị xử lý về hành vi gây mất trật tự giao thông. Có như thế mới bảo đảm cho chợ xã, phường hoạt động và phát triển đúng hướng.

Bài 2: Chủ đầu tư hấp hối, tiểu thương vỡ nợ! 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên