Xã Thanh Tuyền: Sắc diện mới, sức bật mới

Cập nhật: 29-04-2020 | 08:16:38

 Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng hoàn thiện đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nổi bật nhất là hệ thống giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa thể thao.

 Diện mạo xã Thanh Tuyền ngày càng đổi thay, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại

 Sản xuất theo hướng hàng hóa

Năm 2015, xã Thanh Tuyền được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân được nâng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đang phát huy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả được nhân rộng. Đơn cử, tổ liên kết sản xuất măng cụt VietGAP được thành lập năm 2017, gồm 38 hộ tham gia trên tổng diện tích sản xuất 22 ha. Thời gian qua, tổ liên kết được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và Hội Nông dân xã, đến nay có 9 hộ được công nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 6,6 ha, năng suất trung bình từ 1,7 - 2,5 tấn/ha và đã được công nhận thương hiệu sản phẩm măng cụt huyện Dầu Tiếng.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Lê Văn Huệ tại ấp Xóm Bến, xã Thanh Tuyền với mô hình nuôi cá cảnh xuất khẩu, khoảng 16.000 con, tổng doanh thu mỗi năm 1,1 tỷ đồng, kỹ thuật tạo giống cá và nuôi thành công vừa được bình xét là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nghệ nhân thuộc ngành nghề nuôi cá cảnh. Trên cơ sở đó, xã khuyến khích người dân tiếp tục phát triển các mô hình, ngành nghề mới, nhân rộng quy mô sản xuất hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Thanh Tuyền tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Gắn phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại với phát triển doanh nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn. Xã đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất phải nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ, các vùng chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Hướng đến đô thị loại V

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của xã Thanh Tuyền tiếp tục phát triển đúng định hướng, những chuyển biến tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Cơ cấu kinh tế của xã hiện nay là công nghiệp 20% - nông nghiệp 40% - thương mại - dịch vụ 40%.

Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, trong sản xuất nông nghiệp, địa phương định hướng phát triển theo hướng quy mô hàng hóa lớn, bền vững. Theo đó, các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, hiện trên địa bàn xã đã phát triển thêm rất nhiều mô hình mới so với giai đoạn trước đây, đa số người dân ứng dụng các kỹ thuật trong tưới tiêu, chăm sóc và thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao… Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62 triệu đồng/người/năm.

Ông Lưu Vĩnh Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết do đặc điểm địa lý của xã giáp sông Sài Gòn, có trục đường ĐT744 đi qua, hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp thuận lợi cho việc giao thương, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây nông nghiệp đã góp phần thu hút các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trên địa bàn. Hiện xã cũng đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập và chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng thích hợp. Tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, đồng thời chỉ đạo các ban ngành thực hiện đúng theo tiến trình quy hoạch NTM.

Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị loại V, địa phương cũng đang tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt đầu tư cho hạ tầng như giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa... Trên địa bàn xã Thanh Tuyền hiện có 134 tuyến đường giao thông bao gồm đường liên xã (đường tỉnh, huyện) qua địa bàn, đường xã quản lý (đường liên ấp, trục ấp), đường nhánh, ngõ hẻm và giao thông nội đồng với tổng chiều dài 109,49km. Hiện nay, các tuyến đường giao thông của xã đều được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, nhựa hóa và bê tông xi măng. Đồng thời kết hợp làm đèn chiếu sáng, góp phần đổi mới toàn diện hệ thống đường giao thông nông thôn. Trong đó, có 40 tuyến đường liên ấp, trục ấp với tổng chiều dài 37,38km; phần còn lại 18,16km đường sỏi đỏ; các tuyến đường ngõ, xóm với chiều dài 47,58km, với 129 tuyến, các tuyến còn lại nhân dân tự làm đường bê tông bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%. Đường liên xã, đường trục ấp gồm 7 tuyến, tổng chiều dài 31,29km bảo đảm thoát nước mặt đường, có hệ thống chiếu sáng đạt 84%. Đồng thời, địa phương thường xuyên tổ chức khảo sát các tuyến đường trên địa bàn các ấp nhằm xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Thanh Tuyền đặt mục tiêu phát triển đồng bộ các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Hiện tại, trên địa bàn xã có các công ty, xí nghiệp trú đóng tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho người lao động trong khu vực, như: Nông trường Cao su Bến Súc, Nhà máy chế biến mủ cao su Bến Súc thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng; số lao động còn lại làm việc trong các khu công nghiệp ở địa bàn lân cận như KCN Mỹ Phước, KCN An Tây, KCN Rạch Bắp, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên luôn đạt theo quy định. Hiện tổng số lao động có việc làm thường xuyên trong độ tuổi là 8.500/8.902 người, đạt tỷ lệ 95,5%.

Bên cạnh đó, xã chú trọng đến xây dựng cảnh quan môi trường. Trong đó, thực hiện hỗ trợ mô hình thu gom rác thải, vận động các hộ gia đình thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, cải tạo, nâng cấp. Đồng thời tiếp tục vận động nhân dân xây dựng mô hình nông thôn xanh - sáng - sạch - đẹp - nếp sống văn minh, tập trung lựa chọn, hướng dẫn đầu tư các vườn mẫu, trang trại mẫu của các hộ gia đình.

Với những giải pháp cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, đã và đang tạo khí thế mới ở Thanh Tuyền. Tất cả đều đang hướng đến mục tiêu “kép” là đạt NTM kiểu mẫu, nhà vườn mẫu, khu dân cư mẫu và xây dựng đô thị loại V.

 Xã Thanh Tuyền nằm về phía đông nam của huyện Dầu Tiếng, cách Trung tâm Hành chính huyện 18km, xã là cửa ngõ phía nam của huyện Dầu Tiếng, nằm ở vị trí giáp ranh giới của 3 tnh, thnh phố: Bình Dương, Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Diện tích tự nhiên là 6.222,43 ha, chiếm 8,64% diện tích tự nhiên của huyện, được chia làm 11 ấp. Dân số của xã hiện nay là 4.537 hộ với 15.375 nhân khẩu. Thanh Tuyền là xã nông nghiệp với đa số người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn trái và cây cao su), có tổng diện tích 6.222,43 ha, trong đó đất nông nghiệp 5.544,07 ha, chiếm 89,09% diện tích tự nhiên, cây trồng chủ lực là cao su với tổng diện tích toàn xã 4.759,5 ha.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên