Xã Vĩnh Tân (Tân Uyên): Điển hình trong công tác giảm nghèo

Cập nhật: 08-03-2011 | 00:00:00

Đầu năm 2009, xã Vĩnh Tân (Tân Uyên) có 86 hộ nghèo (HN)/1.594 hộ dân. Đến cuối năm 2010 số HN của xã chỉ còn 12/1.897 hộ dân (chiếm 0,63%). Chỉ trong 2 năm, số HN của xã Vĩnh Tân đã giảm 74 hộ. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của lãnh đạo xã và khát vọng vươn lên của những HN...

Tìm nguyên nhân nghèo để giảm nghèo

Anh Huỳnh Văn Thọ, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo (BCĐ GN) xã Vĩnh Tân cho biết: “Một trong những phương pháp để xã Vĩnh Tân làm tốt công tác GN đó là chúng tôi cử cán bộ chuyên trách trực tiếp đến từng HN để tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ nghèo, sau khi tìm ra nguyên nhân, chúng tôi mới tiếp tục thực hiện các chính sách lồng ghép hỗ trợ chương trình GN.” Cụ thể, qua điều tra của BCĐ GN của xã thì đầu năm 2009, toàn xã có 86 HN/1.595 hộ dân chiếm 5,39%. Trong 86 HN, BCĐ GN đã xác định một số nguyên nhân chủ yếu như thiếu vốn sản xuất, có đông người ăn theo, có người đau ốm thường xuyên, thiếu điều kiện sản xuất...

 

Anh Hoàng đang thu hoạch dưa leo

Trên cơ sở xác định các nguyên nhân cụ thể, trong 2 năm 2009 -2010, BCĐ GN của xã đã phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể giới thiệu cho 1.127 lao động ở địa phương vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn xã và ở các địa bàn lân cận với mức thu nhập ổn định. BCĐ GN cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật về cách chăn nuôi bò sữa, kỹ thuật trồng hoa màu... để tạo điều kiện cho những HN được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Thực tiễn cho thấy, sau khi tham gia tập huấn về kỹ thuật, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi hay trồng hoa màu, kết quả rất khả quan.

Đối với những hộ gia đình nghèo gặp khó khăn về nhà ở, BCĐ GN xã tổ chức vận động từ các nguồn để xây dựng nhà tình thương. Theo anh Thọ thì hiện tại xã Vĩnh Tân đã cơ bản xóa nhà tạm. Những HN thiếu vốn, BCĐ GN xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay vốn để làm ăn. Bên cạnh đó, BCĐ GN của xã cũng vận động và phát huy nguồn vốn tự đóng góp của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... để hỗ trợ cho các HN được vay vốn đầu tư làm kinh tế. BCĐ GN của xã cũng tổ chức cho các HN được tham quan các mô hình làm kinh tế có hiệu quả ở các địa phương khác như mô hình phủ bạt trồng khổ qua, dưa leo... từ đó nhân rộng các mô hình này tại địa phương.

Anh Thọ cho biết thêm, sau khi tìm ra nguyên nhân và thực hiện các chính sách lồng ghép hỗ trợ chương trình giảm nghèo, BCĐ GN của xã phân công từng thành viên trong BCĐ theo dõi từng địa bàn, từng HN cụ thể để có thể hướng dẫn, giúp đỡ họ lúc khó khăn. Nếu chỉ hỗ trợ vốn hoặc các điều kiện khác mà không kịp thời có sự quan tâm, động viên thì chắc chắn sẽ không đạt được kết quả GN như hiện tại, anh Thọ nói.

Khát vọng vươn lên

Chúng tôi đến thăm gia đình chú Triệu Văn Long ở ấp 6, xã Vĩnh Tân. Trong căn nhà tình thương khá khang trang, chú Long cho biết: “Trước đây đời sống của gia đình chú khó khăn lắm, con cái thì nhỏ, đất đai thì không có, nhà ở cũng chỉ cất tạm bợ, hai vợ chồng tối ngày đi làm thuê cho người khác để sinh sống qua ngày và nuôi con. Do vậy, gia đình chú là một trong những HN của xã. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và khát vọng vươn lên thoát nghèo, đến cuối năm 2009 gia đình chú đã thoát nghèo thành công. Hiện tại, các con của chú đã lớn và có việc làm ổn định tại địa phương, căn nhà khang trang và một số tiện nghi trong gia đình đã thay thế căn nhà tạm”.  Chú Long thở phào, bây giờ thì kinh tế của nhà tôi đã “khỏe rồi, các con đều có việc làm, vợ chồng tôi thì chăn nuôi và làm vườn, cứ thế mà đi lên...”.

Rời nhà chú Long, chúng tôi đến thăm mô hình tổ liên kết sản xuất tại ấp 4, xã Vĩnh Tân. Chúng tôi thật bất ngờ vì không nghĩ rằng giữa rừng cao su bạt ngàn lại có một vườn dưa leo xanh tốt như vậy. Cô Phượng cho biết, mô hình tổ liên kết sản xuất tại đây hoạt động rất hiệu quả, nếu dưa leo được giá và trúng mùa thì sau khi trừ chi phí mỗi hộ dân cũng thu được vài chục triệu đồng mỗi năm.

Nông dân Nguyễn Tấn Hoàng cho biết: “Gia đình anh cũng thuộc diện khó khăn, từ khi có mô hình tổ liên kết sản xuất và được tiếp cận với các phương pháp trồng các loại rau cho hiệu quả kinh tế cao, anh và một số hộ dân khác đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa leo có phủ bạt và giăng lưới. Mô hình này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, vừa tiết kiệm công sức, chi phí mà lại cho năng suất cao. Năm vừa rồi, anh làm 3 vụ, dưa leo tốt lại có giá nên thu nhập sau khi trừ chi phí gần 100 triệu đồng. Nhờ mô hình này mà đời sống của gia đình anh đã có sự thay đổi rõ rệt, anh Hoàng khoe”.

Chia tay những HN, chúng tôi ra về mà lòng rất vui và tin tưởng rằng trong một thời gian ngắn nữa xã Vĩnh Tân sẽ không còn HN.

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên