Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự

Cập nhật: 05-11-2016 | 08:41:59

Hiến pháp 2013 quy định quyền dân sự gồm: Quyền sống; quyền đời tư; quyền tự do an ninh cá nhân (quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm); quyền đời tư; quyền khiếu nại tố cáo; quyền tự do cư trú, đi lại; quyền bình đẳng giới…

Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện”.

Xác lập quyền dân sự: Việc xác lập quyền dân sự phải căn cứ vào: Hợp đồng; hành vi pháp lý đơn phương; quyết định của tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; kết quả lao động sản xuất, kinh doanh, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; chiếm hữu tài sản; sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật; thực hiện công việc không có ủy quyền và các căn cứ khác theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng: Là hình thức pháp lý đầu tiên được nói đến trong quan hệ dân sự bởi nó luôn chứa đựng ý chí của các bên.

Hành vi pháp lý đơn phương: Thông thường thể hiện quyết định từ một phía mà không nhất thiết phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí với bên còn lại. Bên còn lại có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận những quyền lợi mà bên kia dành cho mình.

Quyết định của tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định: Khi tiến hành giải quyết tranh chấp tại tòa án, Hội đồng trọng tài… thì các bản án, quyết định của tòa án, quyết định trọng tài thường chứa đựng những cơ sở để xác lập quyền cho các chủ thể.

Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: Đây là căn cứ quan trọng để xác lập các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, thu nhập do mình tạo ra bằng chính công sức, trí tuệ, chi phí của mình.

Chiếm hữu tài sản: Việc chiếm hữu tài sản đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà những người đang chiếm hữu tài sản có những quyền nhất định. Nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng việc chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu để làm trái quy định của pháp luật, chiếm hữu trái phép tài sản của chủ sở hữu để làm lợi riêng cho mình.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/KH-UBND ngày 13-3-2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Thực hiện quyền dân sự theo Bộ luật Dân sự thì cá nhân, pháp nhân khi thực hiện các quyền dân sự phải theo ý chí của mình, không được trái với quy định của Bộ luật Dân sự tại Điều 3 và Điều 10.

Việc thực hiện quyền dân sự bị giới hạn trong trường hợp cá nhân, pháp nhân lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại đến người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích trái pháp luật.

Bảo vệ quyền dân sự là tự mình yêu cầu bên vi phạm hoặc tòa án, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Chủ thể có thể thực hiện biện pháp tự bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện các nghĩa vụ; bồi thường thiệt hại; hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên