Xây dựng các khu nhà trọ văn hóa: Nhu cầu đang cấp thiết

Cập nhật: 11-04-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Nhiều nhà trọ chưa đúng quy chuẩn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hàng trăm ngàn công nhân (CN), người lao động (NLĐ) từ các tỉnh đến tìm nơi “an cư lạc nghiệp”. Hàng loạt nhà trọ ra đời để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho CN, NLĐ. Tuy nhiên, dân nhập cư ngày càng tăng nên nhu cầu nhà ở cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trật tự, sân chơi giải trí, trường học cho con em CN còn hạn chế. Đây là bài toán khó đối với các ngành chức năng, giúp dân nhập cư an tâm lao động sản xuất (LĐSX).

 Các đại biểu Ban VH-XH HĐND tỉnh trong lần khảo sát đời sống người lao động nhập cư (Trong ảnh: Một khu nhà trọ có xây dựng bản tin thanh niên công nhân cho CN tìm hiểu)

Nhà trọ CN cung không đủ cầu

Theo đoàn khảo sát thực trạng đời sống NLĐ trên địa bàn tỉnh do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức, chúng tôi ghé thăm các khu nhà trọ tại thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát), phường An Bình (TX.Dĩ An), phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An)... Một thực trạng chung, quanh các khu công nghiệp (KCN), nhà trọ dành cho CN còn thiếu và chưa đúng quy chuẩn. Cụ thể, TX.Thuận An hiện có 3 KCN, với hơn 260.000 người tạm trú, nhưng số lượng phòng trọ chỉ đáp ứng 80% nhu cầu của CN. Đối với huyện Bến Cát, tính đến tháng 12- 2011, toàn huyện có gần 93.000 lao động nhập cư nhưng chỉ có 3.078 cơ sở kinh doanh nhà trọ, với gần 40.000 phòng cho thuê. TX.Dĩ An với 6 khu và 2 cụm công nghiệp, trong đó 5/6 KCN đã hoạt động. Ngoài ra, còn có 736 doanh nghiệp sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động (80% là dân lao động nhập cư).

Nhu cầu thuê trọ tăng nhưng số phòng trọ còn hạn chế, bởi vậy nhiều căn phòng chỉ khoảng hơn 10m2 nhưng chen chúc nhau 4 - 5 người. Do đó, đồ đạc trong phòng được chất đống hoặc treo lơ lửng trên tường, góc nấu ăn nhỏ không bảo đảm an toàn và không có nhà vệ sinh riêng. Bắt gặp ánh nhìn ái ngại của chúng tôi, Lê Hoàng, CN hiện đang sống trong khu nhà trọ của ông Nguyễn Văn Đức (khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An), bối rối: “Chúng tôi đi làm cả ngày, nên tối về chỉ cần chỗ ngã lưng”. Đối với các CN, sống chật hẹp nơi “đất khách” là chuyện bình thường, bởi tiền nào... phòng ấy. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh con em NLĐ sống trong căn phòng nóng bức, ẩm thấp thật đáng lưu tâm. Anh Thanh Bình, CN tại TX.TDM, kể: Gia đình anh hiện có 4 người (2 vợ chồng, 2 con) đang sống trong khu nhà trọ tại phường Phú Hòa, với diện tích 12m2. Sống trong căn phòng chật hẹp, nóng nên các cháu thường bị bệnh. Anh mong muốn tìm chỗ mới rộng, thoáng hơn để các con có chỗ vui đùa nhưng điều kiện kinh tế không cho phép. Bởi theo anh, phòng rộng thì giá quá đắt, phòng giá rẻ thì nhỏ, hẹp, nóng bức.    

Theo số liệu thống kê trong đợt đi khảo sát, mức lương trung bình của CN tại các KCN trên địa bàn tỉnh từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó giá thuê phòng (12 - 16m2) bình quân 350.000 - 600.000 đồng/phòng 4 người, điện 1.500 - 2.500 đồng/KW, nước 3.000 - 10.000 đồng/m3. Như vậy là mỗi NLĐ trả tiền cho việc thuê nhà trọ, điện thắp sáng và nước sinh hoạt từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng cho 2 - 3m2 diện tích ở. Tuy thu nhập không cao, nhưng nhiều CN đã ý thức hơn trong việc bảo đảm sức khỏe để LĐSX lâu dài. Bởi vậy, họ cố tìm cho mình chỗ ở tốt nhưng rất khó khăn. “Hai chị em tôi đều là CN, làm việc được gần chục năm rồi mà vẫn cứ đi ở trọ thế này. Giá mà có khu nhà trọ rộng rãi hơn và giá cả phải chăng... cho CN thuê thì hay biết mấy”, chị Nga, CN, KCN Mỹ Phước 2 bày tỏ. Những lời tâm sự của chị Nga cũng chính là nỗi trăn trở, lo lắng của biết bao NLĐ thu nhập thấp khác đang làm việc tại các KCN trong tỉnh.

Xây dựng nhà trọ đúng quy chuẩn - bài toán khó

Bộ Xây dựng đã ban hành Quy định về điều kiện tối thiểu nhà ở cho NLĐ thuê. Theo đó, diện tích mỗi phòng ở không được nhỏ hơn 9m2. Diện tích sử dụng bình quân cho mỗi người thuê để ở không nhỏ hơn 3m2 (không tính diện tích khu phụ). Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm yêu cầu an ninh, thông gió và chiếu sáng tự nhiên, người thuê có giường để ngủ. Tường bao che và tường ngăn các phòng phải được làm bằng vật liệu bền chắc bảo đảm cách âm, cách nhiệt, mặt tường trong phòng nếu xây bằng gạch phải trát phẳng và quét vôi 3 nước hoặc sơn. Các khu nhà phải có bể chứa nước phục vụ cứu hỏa và các thiết bị phòng chống cháy nổ. Tổ chức, cá nhân đang có nhà ở cho NLĐ thuê kiểm tra, đối chiếu với các quy định nếu chưa bảo đảm phải có kế hoạch sửa chữa, cải tạo. Thời gian hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa chậm nhất là ngày 31-12-2007. Thế nhưng, hơn 4 năm kể từ ngày ban hành quy định, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu nhà trọ CN chưa đúng quy chuẩn.  Nhiều căn nhà trọ nhếch nhác, không đúng quy chuẩn

Dạo quanh một số khu nhà trọ ở TX.Dĩ An, chúng tôi thấy những căn nhà trọ vách lá, mái tôn, nền xi măng nhỏ hẹp, ẩm thấp. Hầu hết các khu nhà trọ đều chỉ có một phòng vệ sinh công cộng. Chị Nguyễn Thị Hằng, CN, KCN Bình Đường, TX.Dĩ An, than phiền: “Nhiều hôm phải chờ đến gần 21 giờ mới được tắm, đó là chưa kể vào những ngày nước bị cúp, vậy là chờ đến sáng hôm sau dậy thật sớm để tắm rửa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương, phần lớn nhà cho thuê đã được xây ổn định, lâu dài, không có chuyện ngày một ngày hai chủ nhà có thể phá đi xây mới, sẽ rất tốn kém và không mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Để khuyến khích chủ nhà trọ xây nhà đúng quy chuẩn, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ các chủ nhà trọ về vốn, thuế... để họ có điều kiện nâng cấp nhà trọ, cải thiện vệ sinh môi trường khu nhà trọ hoặc quy định giá cho thuê hợp lý...; thành lập một bộ phận chuyên trách (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tại những địa phương có đông NLĐ nhập cư để theo dõi tình hình và đề xuất các giải pháp cụ thể, sát với thực tế.

Bên cạnh sự trăn trở về chỗ ở, NLĐ trên địa bàn tỉnh còn đối mặt với nhiều hạn chế, như: các thiết chế văn hóa - thể thao, các khu vui chơi, giải trí, nhà trẻ, trường học cho con em NLĐ chưa đáp ứng nhu cầu; công tác quản lý Nhà nước về giá điện, nước vẫn còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất không bảo đảm an ninh trật tự...

Giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc?

Có thể nói, đời sống của CN trong các KCN đều còn nhiều khó khăn, nhất là đối với người xa quê. Vì vậy, nếu xây dựng một mô hình nhà ở cho CN giá thấp bán trả góp hay cho thuê thì NLĐ mới có được căn nhà đàng hoàng. Do đó, việc tìm ra các giải pháp tích cực, hỗ trợ hợp lý về nơi ở cho NLĐ trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Nhà nước và các doanh nghiệp cùng quan tâm.

Theo ông Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, mô hình xây dựng nhà ở CN trong KCN, kèm theo nhà giữ trẻ, cơ sở y tế là giải pháp khả thi. Vì NLĐ ổn định chỗ ở, quãng đường đi lại làm việc gần; DN quản lý được NLĐ, CN có điều kiện chăm sóc con cái, được khám chữa bệnh kịp thời... là những thuận tiện để NLĐ gắn bó hơn với DN. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng giá thuê nhà lưu trú, điện nước “trên trời” chưa phù hợp với mức thu nhập của NLĐ, trong thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở LĐ-TB&XH cần khảo sát thực tế, từ đó tham gia đề xuất mức giá thuê phù hợp, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của DN và CN. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị cần chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần NLĐ, tình hình an ninh trật tự để NLĐ yên tâm LĐSX, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Kỳ 2: Cần nhiều hơn những khu nhà trọ văn hóa

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên