Xây dựng cầu Bạch Đằng 2: Liền mạch giao thông, thúc đẩy giao thương

Cập nhật: 19-05-2020 | 08:35:03

Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai là một trong những dự án trọng điểm sẽ được khởi công vào tháng 6-2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sắp tới. Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Để dự án sớm được triển khai, Bình Dương đã ứng trước kinh phí để xây dựng.

 Sơ đồ vị trí xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai

 Hoàn chỉnh đường bộ liên vùng

Đồng Nai và Bình Dương ngăn cách bởi sông Đồng Nai. TP.Biên Hòa và TP.Thủ Dầu Một là 2 trung tâm hành chính, kinh tế lớn được bao quanh bởi nhiều khu quy hoạch dân cư đô thị lớn. Thời gian qua, việc kết nối giao thông giữa Bình Dương và Đồng Nai thông qua 2 tuyến đường giao thông chính là cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 và cầu Hóa An. Tuy nhiên, hai cầu này cách nhau 35km, khoảng cách còn khá xa, gây khó khăn trong quá trình thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế. Việc xây dựng cầu Bạch Đằng 2 trước hết tạo thuận lợi đi lại cho người dân 2 bên bờ, ngoài ra vận chuyển hàng hóa sẽ an toàn và rút ngắn hành trình nếu chọn hướng giao thông qua cầu Hóa An hoặc cầu Thủ Biên. Bên cạnh đó, việc kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Bình Dương và Tây nguyên trong điều kiện tự nhiên bị ngăn cách bởi sông Đồng Nai đều thông qua các tuyến chủ yếu như quốc lộ 1 cắt qua sông Đồng Nai bằng cầu Đồng Nai, quốc lộ 1K bằng cầu Hóa An và cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4.

Ông Nguyễn Vĩnh Toàn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết theo xu thế phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh, chỉ các tuyến và cầu nói trên không thể đáp ứng cho nhu cầu giao thông tăng nhanh trong tương lai. Trong khi tuyến vành đai 4 chưa thực hiện xong, với ưu thế rút ngắn được chiều dài hành trình, việc xây dựng cầu qua sông Đồng Nai, khu vực cù lao Bạch Đằng là một phần trong việc phát triển hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung và giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương nói riêng. Mục tiêu đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng 2 nhằm giảm áp lực cho mạng lưới giao thông giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho 2 địa phương.

Hiện tại quy hoạch các khu dân cư đô thị lớn của 2 tỉnh như Nam Tân Uyên, sân Golf, khu trung tâm hành chính và quy hoạch tổng hợp phía Bình Dương, cũng như khu đô thị Bắc Giang, khu dân cư Vĩnh Cửu phía Đồng Nai đã và đang được hình thành. Việc xây dựng cầu nối này sẽ có thêm một trục đường chính thông suốt giữa 2 bờ và nối kết với mạng giao thông bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình phát triển, trao đổi nhân lực, hàng hóa, dịch vụ giữa người dân 2 bên bờ. Bên cạnh đó, các khu liên hợp dịch vụ, công nghiệp quy mô lớn, chắc chắn sẽ phát sinh nhu cầu lớn về đi lại, vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa 2 khu vực này. Nguyên vật liệu và hàng hóa, sản phẩm từ các khu công nghiệp lớn Bình Dương về cảng cũng như đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại thông qua cầu này sẽ rất thuận tiện. Nguồn vật liệu rời, sản phẩm từ các cảng, hàng hóa nội địa cũng sẽ được vận chuyển từ Đồng Nai sang Bình Dương và các tỉnh Tây nguyên một cách thuận lợi thông qua hàng loạt các tuyến đường trục tạo lực của Bình Dương.

Ông Nguyễn Vĩnh Toàn nhấn mạnh, việc xây dựng cầu qua sông Đồng Nai là cần thiết. Lãnh đạo của 2 tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương hợp tác xây dựng cầu tại khu vực cù lao Bạch Đằng, thay thế bến đò ngang hiện hữu, nối liền hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để bảo đảm nhu cầu giao thông tăng nhanh và an toàn. Tuyến đường này ngoài việc hoàn thiện mạng giao thông chung còn hạn chế lượng xe quá cảnh lưu thông vào trung tâm thành phố Biên Hòa qua quốc lộ 1K và cầu Hóa An.

Sớm hoàn thành dự án

UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thống nhất nguồn vốn xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương là chủ đầu tư dự án. Dự án có tổng mức đầu tư 658 tỷ đồng, quy mô đầu tư gồm: Dự án 1 (xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương) bắt đầu từ sau cầu Bạch Đằng, xuyên qua cù lao Bạch Đằng đến mốc cầu phía Bình Dương, chiều dài của tuyến khoảng 2,8km, quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17,5m; dự án 2 (xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai), quy mô 4 làn xe cơ giới, mặt cắt ngang rộng 17,5m, chiều dài 540m. Trong đó, kinh phí xây dựng cầu 491 tỷ đồng và 167 tỷ đồng để xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương. Nguồn vốn để thực hiện dự án 1 từ ngân sách tỉnh Bình Dương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Đối với dự án 2 nguồn vốn được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí. Để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng mong mỏi của người dân của 2 địa phương, tỉnh Bình Dương sẽ ứng trước kinh phí để xây dựng cầu, tỉnh Đồng Nai sẽ cân đối hoàn trả sau khi hoàn thành công trình.

Ông Nguyễn Vĩnh Toàn cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Ban Quản lý dự án tỉnh hiện đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát các gói thầu thi công. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh nên dự tính dự án 1 sẽ được khởi công trong tháng 6-2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI sắp tới.

 Ông Nguyễn Vĩnh Toàn cho biết khi công trình được đưa vào sử dụng, việc đi lại và sinh hoạt của người dân trong vùng cũng như các vùng lân cận sẽ được cải thiện, giao thương vô cùng thuận lợi. Hình thành tuyến đường và các khu quy hoạch sẽlàm giảm diện tích đất canh tác nông nghiệp của khu vực, hình thành các khu dân cư mới, lượng người tăng nhanh, tạo động lực phát triển vùng đất “ngủyên” trong bao năm qua.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên