Xây dựng nền kinh tế giàu mạnh, tự chủ

Cập nhật: 02-07-2014 | 10:10:49

 Thực tế từ nhiều năm qua, xác định Trung Quốc là một đối tác quan trọng nên trong quan hệ thương mại với Trung Quốc chúng ta luôn nhập siêu; tuy đã nhận ra điều này và đã có nhiều cố gắng tìm cách cải thiện cán cân thương mại, song kết quả vẫn còn thấp. Chỉ tính riêng năm vừa qua, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 10 tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 30 tỷ USD, chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; quả là nỗi lo về tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này là có cơ sở. Bởi vì, trong tình hình biển Đông hiện nay, chúng ta không loại trừ về những hành động “trả đũa ngược” của Trung Quốc khi căng thẳng leo thang làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm nhập siêu từ Trung Quốc như: tăng xuất khẩu, tăng sản xuất trong nước, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp…; đặc biệt nhiều ngành hàng như dệt may, da giày, thức ăn chăn nuôi thủy sản… cũng chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, giảm dần mức độ phụ thuộc để duy trì phát triển. Mặt khác, chương trình “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tiếp tục được thực hiện tốt nhằm khơi dậy lòng yêu nước cụ thể, kích thích cho nền kinh tế nội lực phát triển; đồng thời chủ động tìm thị trường mới để mở rộng xuất khẩu, tránh tình trạng tập trung vào một thị trường truyền thống, giảm sự lệ thuộc ẩn chứa nhiều bất trắc, rủi ro.

Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi trong hội nhập quốc tế, đưa hàng hóa xâm nhập vào các thị trường mới và tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia; riêng việc này không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới mà còn giúp các doanh nghiệp giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì “Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới; trong thời gian tới Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các nền kinh tế khác nhiều loại máy móc, thiết bị, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và cả hàng tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn, có thể cạnh tranh được với nguồn cung ứng từ Trung Quốc”. Điều này sẽ mở ra triển vọng mới mang lại nhiều lợi ích, giúp đất nước ta có được vị thế độc lập nhất định trong quá trình quan hệ kinh tế với nước ngoài.

Trong “cái khó ló cái khôn”, trong cách nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp cũng đã lên phương án chủ động đối phó nhằm giảm thiểu tổn thương trong việc kinh doanh, chuẩn bị cho cả cơ hội làm ăn khi mở ra thị trường mới; thậm chí tính toán lại việc xuất khẩu nguyên nhiên vật liệu, hàng nông sản thô… hiệu quả thấp; nay muốn tồn tại cần phát triển nội lực,cải tiến sản phẩm, xây dựng thương hiệu… sẵn sàng cho cung cách làm ăn năng động đầy thách thức; song phát triển lâu dài và hiệu quả kinh tế cao hơn.

 THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên