Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Xây dựng nông thôn mới: Đạt hiệu quả cao nhờ xã hội hóa

Thứ tư, ngày 15/05/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Công tác tuyên truyền được xem là một trong những khâu quan trọng để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Ban Quản lý xây dựng NTM một số xã đã và đang triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú. Tiêu biểu là các xã An Sơn (TX.Thuận An), Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát), Bạch Đằng (huyện Tân Uyên)… Các xã nói trên đã biết lồng ghép công tác tuyên truyền xây dựng NTM thông qua các buổi họp, văn nghệ quần chúng, nói chuyện thời sự… nhằm tránh sự nhàm chán. Số xã còn lại dựa vào sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phổ biến thông qua các cuộc họp chi bộ, đoàn thể của xã và trên hệ thống loa truyền thanh. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết công tác tuyên truyền đã được xã chú trọng nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao nhận thức của nhân dân trên địa bàn xã trong việc thực hiện chương trình. Từ đó ý thức, nhận thức của nhân dân được nâng cao, việc triển khai thực hiện các tiêu chí cũng thuận lợi hơn.    Nhiều xã đã có các hình thức tuyên truyền phong phú. Trong ảnh: Cổng chào xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo mang nội dung xây dựng NTM

Tại một số địa phương, việc triển khai chương trình diễn ra suôn sẻ là nhờ người dân hiểu đúng và tham gia đóng góp cùng địa phương. Theo đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã đóng góp số lượng lớn vật chất, của cải cho việc thực hiện chương trình tại địa phương. Tại TX.Thuận An, người dân đã hiến 16.655m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, các doanh nghiệp đã hỗ trợ khoảng kinh phí 16,4 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi giải trí tại Nhà Văn hóa xã, xây dựng văn phòng - khu văn hóa các ấp, xây dựng đường giao thông nông thôn. Xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng huy động doanh nghiệp đầu tư số tiền hơn 185 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 111 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng. Ông Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực quan trọng giúp xã đẩy nhanh việc thực hiện chương trình. Nhờ vậy, Thanh An có thể hoàn thành các tiêu chí để trở thành xã NTM trong năm nay.

Điểm đặc biệt của Bình Dương trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là có sự lồng ghép với việc thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia khác như nước sạch, môi trường, giáo dục, y tế… Nhờ có sự lồng ghép này mà chất lượng các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM tại Bình Dương đạt cao hơn so với ngưỡng tiêu chí đề ra, góp phần giúp người dân thụ hưởng tốt kết quả của các chương trình, tạo ra sự đồng thuận cao khi được vận động đóng góp cho các chương trình sau. Hiện tại, Bình Dương đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành xây dựng NTM tại 5 xã điểm cũng như thực hiện chương trình tại các xã còn lại. Với việc điều chỉnh nội dung một số tiêu chí của Trung ương, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương của UBND tỉnh, cũng như sự chung tay góp sức của cộng đồng, chương trình xây dựng NTM tại Bình Dương trong thời gian tới chắc chắn sẽ được đẩy mạnh và đạt chất lượng cao.

ĐÀ BÌNH