Xe 4 bánh gắn động cơ mô tô: Chiếc “cần câu cơm” của người nghèo!

Cập nhật: 14-01-2011 | 00:00:00

Sau 1 năm triển khai thí điểm đăng ký lưu hành xe tải nhẹ 4 bánh gắn động cơ môtô hiệu Damsan để thay thế xe công nông, xe thô sơ, xe ba bánh, bốn bánh tự chế thuộc diện bị cấm lưu hành, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “Đồng ý tiếp tục gia hạn việc thực hiện thí điểm loại xe 4 bánh có gắn động cơ mô tô đến ngày 31-8-2011.

Chiếc “cần câu cơm” hiệu quả

Chị Huỳnh Thanh Mai ngụ phường Hiệp Thành (TX.TDM) có chồng đang trực tiếp làm nghề lái xe chở thuê cho biết: “Gia đình chúng tôi có đông người theo nghề này đã từ lâu rồi. Khi nghe Nhà nước ban hành lệnh cấm xe ba gác, gia đình đã chấp hành vì mình tuy nghèo nhưng vẫn phải nghiêm túc chấp hành pháp luật. Trong khi chờ đợi hỗ trợ theo quy định, gia đình chúng tôi đã vận động, vay mượn để mua lại chiếc xe mới từ Salon mô tô Ba Phi (Suối Giữa) vì nhiều lý do: Giá cả hợp lý, được đăng ký cấp biển số như các loại phương tiện giao thông hợp lệ khác, được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng... Từ khi mua xe mới hoạt động đến nay chồng tôi có công việc thường xuyên, thu nhập ổn định nên có điều kiện trả nợ và ổn định cuộc sống gia đình.”!

  Ông Phạm Đăng Thông an tâm làm ăn vì xe đã được đăng ký cấp biển số và đã có giấy phép lái xe hợp lệ

Anh Phạm Đăng Thông cũng làm nghề chở hàng thuê bằng loại phương tiện xe 4 bánh có gắn động cơ mô tô hiệu Damsan do tập Đoàn Ô tô Đức Phương sản xuất cũng phấn khởi cho biết: “Thấy báo đăng loại phương tiện này giá cả phù hợp với người có thu nhập thấp, được đăng ký cấp biển số lưu hành, người sử dụng chỉ cần học và được cấp bằng lái là an tâm làm ăn nên gia đình tìm mọi cách để mua ngay. Bây giờ thì đã có bằng lái rồi, công việc cũng ổn định, thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/tháng. Loại phương tiện này đúng là chiếc “cần câu cơm của người nghèo chúng tôi”... Việc sản xuất, lắp ráp kịp thời phương tiện vận tải thay thế xe công nông, xe ba bánh, bốn bánh tự chế với giá cả phù hợp không chỉ tạo ra sản phẩm thay thế hợp lý, thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh mà còn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với người lao động nghèo, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông...

Phù hợp quy định pháp luật

Thượng tá Trần Minh Hữu, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: “Vừa qua phòng đã thực hiện đăng ký, cấp biển số cho rất nhiều phương tiện loại này theo chủ trương thí điểm của Chính phủ. Về hình thức đây là xe tải nhẹ 4 bánh chỉ chở được tối đa 2 người và tải trọng không quá 500 kg. Về tính năng kỹ thuật xe có gắn động cơ mô tô 250cm3, nên được xem như xe mô tô và không phải đăng kiểm. Khi lưu hành nếu có vi phạm thì xử lý theo hình thức xe mô tô 2 bánh, nhưng phải chú ý: “Chỉ được kiểm tra phương tiện, giấy tờ xe khi phát hiện dấu hiệu vi phạm cụ thể theo quy định pháp luật hiện hành. Không được tùy tiện, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, vì đây là những người làm ăn bình thường trong xã hội”.

Phân tích thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình cho biết: Nghị quyết 32 về việc cấm lưu hành xe công nông, xe ba bánh, bốn bánh tự chế, xe thô sơ là nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông; kiềm chế, giảm nhẹ tai nạn; tạo sự chuyên nghiệp hóa, đúng quy định pháp luật của người sử dụng phương tiện này vì chúng ta đang trên đường phát triển và hội nhập quốc tế. Vì lẽ đó mà tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn triển khai thực hiện hỗ trợ với mọi đối tượng kể cả diện KT3 có phương tiện thuộc diện phải thay thế. Riêng với hộ sinh sống bằng nghề chở thuê, thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo được chính quyền địa phương xác nhận còn được hỗ trợ vay vốn theo hình thức tín chấp từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Kết quả, mới đây số tiền giải ngân loại hình này đã trên 17 tỷ, tiếp tục cho vay bổ sung khoảng 10 tỷ nữa. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm phù hợp, ổn định lâu dài cho người dân, nên cần sự quan tâm hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cấp và địa phương.

Phương tiện “ba dễ”

Ông Đoàn Tấn Khuy, Phó Giám đốc Công ty xe máy Ba Phi, nhà phân phối độc quyền sản phẩm xe 4 bánh gắn động cơ mô tô hiệu Damsan khu vực miền Đông Nam bộ cho biết: “Ngoài việc được đăng ký cấp biển số theo quy định, chúng tôi còn tạo thuận lợi cho bà con mua xe với “3 dễ” nổi bật là: Dễ mua vì giá chỉ khoảng 50 triệu đồng/xe, thanh toán linh hoạt vì đã được ngân hàng hỗ trợ vay đến 70% giá trị phương tiện trong thời gian 24 tháng bằng hình thức tín chấp đã được Tập đoàn ô tô Đức Phương (nhà sản xuất) ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên toàn quốc; Dễ sử dụng vì được thiết kế phù hợp, an toàn. Người sử dụng chỉ cần học và được cấp Giấy phép lái xe hạng A4 do các trường dạy nghề, dạy lái xe tổ chức và Sở Giao thông Vận tải cấp phép. Hiện tại Trường Trung cấp nghề Bình Dương đã đào tạo xong khóa 1 và đang chiêu sinh khóa tiếp theo để giúp bà con thuận tiện trong làm ăn. Sau cùng là dễ kiếm tiền vì xã hội đang trên đà phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư rất lớn. Loại xe này vừa đủ mạnh vừa có thể đi vào những con đường nhỏ mà nhiều loại phương tiện khác khó vào. Nên có thể nói loại xe máy này là phương tiện vận tải rất hiệu quả của người nghèo hiện nay”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Võ Văn Đức: Nâng mức cho vay từ 30 triệu lên 50 triệu đồng/hộ

Ngoài việc được hỗ trợ 9 triệu đồng/phương tiện xe tự chế, xe thô sơ ba, bốn bánh theo quy định, tỉnh Bình Dương còn là địa phương đi đầu trong việc cho vay chuyển đổi phương tiện từ vốn ngân sách thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Để được tiếp cận nguồn vốn này, người vay phải thuộc diện có phương tiện bị thay thế và đã được hỗ trợ và phải là hộ nghèo hoặc cận nghèo được địa phương xác nhận theo quy định. Hiện mức cho vay đã được nâng từ 30 triệu lên 50 triệu và được kéo dài đến tháng 3 năm 2011.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Bình Dương Nguyễn Văn Phinh: Sẽ xây dựng chương trình phù hợp với người học

Chúng tôi đã tổ chức thí điểm đào tạo khóa đầu tiên cho người lái phương tiện này với kết quả tốt và đang tiếp tục chiêu sinh khóa tiếp theo. Qua khóa học cho thấy phần lớn học viên đều có trình độ học vấn thấp, quỹ thời gian hạn hẹp, không ổn định. Nhà trường đã nguyên cứu và bố trí giờ học linh hoạt để người làm việc buổi sáng có thể học buổi chiều hoặc buổi tối. Chương trình dạy cũng phù hợp với khả năng tiếp thu của học viên. Chúng tôi đã phân công giáo viên giàu kinh nghiệm thực tế, kỹ năng sư phạm cao để trình bày phù hợp với khả năng tiếp thu của học viên.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên