Xem xét các báo cáo, thông qua các tờ trình và nghị quyết bảo đảm kinh tế - xã hội phát triển

Cập nhật: 10-12-2019 | 08:13:21

Trong ngày làm việc hôm qua (9-12), các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp thứ 12 đã tiến hành xem xét các báo cáo, các tờ trình của UBND tỉnh và thông qua các nghị quyết có liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội, qua đó bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Các đại biểu nghiên cứu báo cáo, tờ trình tại kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Thu ngân sách năm 2018 đạt 50.369 tỷ đồng

Tờ trình về quyết toán thu ngân sách trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2018 được ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính trình bày tại kỳ họp cho thấy, dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế - xã hội trên địa bàn là 52.500 tỷ đồng, quyết toán 50.369 tỷ đồng, đạt 96% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 9% so với quyết toán năm 2017. Về quyết toán chi ngân sách, dự toán tổng chi ngân sách địa phương là 17.700 tỷ đồng, quyết toán 18.339 tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 104% so với dự toán HĐND tỉnh thông qua (tăng 22% so với quyết toán năm 2017), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 77% dự toán Thủ tướng Chính phủ và 85% dự toán HĐND tỉnh; chi thường xuyên đạt 110% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và 92% dự toán HĐND tỉnh (tăng 16% so với quyết toán năm 2017)... Kết dư ngân sách địa phương năm 2018 là 10.561tỷ đồng. Căn cứ dự toán Thủ tướng Chính phủ dự kiến giao và trên cơ sở dự báo tình hình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về tổng thu từ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 62.200 tỷ đồng, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2019, bằng 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ dự kiến giao.

Trong ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 12 đã biểu quyết thông qua 5 dự thảo nghị quyết về tài chính, ngân sách và đầu tư công, bao gồm: Phê chuẩn quyết toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương 2018; dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, thu, chi và phân bổ ngân sách địa phương năm 2020; sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND9 ngày 16-12-2016 của HĐND tỉnh về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 31-7-2019 của HĐND tỉnh về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Kỳ họp cũng đã xem xét nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và tờ trình phê chuẩn Kế hoạch đầu tư công năm 2020. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin cần bổ sung 8 dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 với tổng vốn bố trí 7,324 tỷ đồng để lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư dự kiến triển khai giai đoạn 2021- 2025 hoặc khi có nguồn vốn bổ sung phù hợp trong năm 2020. Bố trí tăng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 41 dự án với tổng vốn tăng là 760,482 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn của 11 dự án với tổng vốn giảm 767,806 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 của tỉnh là trên 13.324 tỷ đồng.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày tờ trình quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng được áp dụng là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chính sách sẽ hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Một số mức chi hỗ trợ cụ thể: Hỗ trợ 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng; hỗ trợ mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình. q

Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa IX đã nghe ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trình bày các tờ trình của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động sáng kiến, gồm: Chủ trương ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025 và Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các hoạt động sáng kiến có sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, việc ban hành Đề án nhằm kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh; truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức trên toàn tỉnh; đẩy mạnh vai trò kết nối các hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh thông qua Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp Bình Dương (BIIC); hỗ trợ hình thành từ 4 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 50 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 25 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 80 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng theo đề án này là cá nhân, nhóm cá nhân có ýtưởng, dự án khởi nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo. Các chính sách chủ yếu của đề án được áp dụng theo nghị định, thông tư của Trung ương gồm các nội dung về tăng cường, đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ…

CAO SƠN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên