Xem xét đơn giản hóa thủ tục xử án dân sự

Cập nhật: 22-08-2010 | 00:00:00

Nếu được Quốc hội thông qua, nhiều nội dung mới sẽ được đưa vào Luật tố tụng dân sự như đưa án lệ vào công tác xét xử của tòa án, xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản, công nhận kết quả hòa giải ở cơ sở…

 

Sáng 21-8, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về dự án Luật tố tụng dân sự.

 

Theo tờ trình, Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị sửa đổi 73 điều, bổ sung 43 điều, bãi bỏ 10 điều với mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

 

Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định, cần thiết phải quy định trình tự xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản.

 

Nhưng các đại biểu vẫn chưa đạt tới thống nhất trong xác định các tiêu chí xác định vụ án giải quyết theo thủ tục đơn giản. Chẳng hạn chỉ rút gọn về thời gian nhưng không xét tới các yếu tố mang tính đặc thù (về trình tự, thành phần xét xử). Theo Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, quy định của dự thảo Luật về thủ tục đơn giản chưa thể hiện rõ được tính chất khác biệt cơ bản giữa thủ tục tố tụng dân sự đơn giản và thủ tục tố tụng dân sự thông thường.

 

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định đưa án lệ (tiền lệ án) vào công tác xét xử, với quy định “khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải tham khảo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp trên giải quyết các vụ việc tương tự nhằm đảm bảo tính thống nhất và tránh mắc lại sai lầm trong việc áp dụng pháp luật; khi giải quyết lại vụ việc, thì kết luận của tòa án cấp trên ràng buộc nhất định đối với tòa án cấp dưới, nếu vụ án không có thêm tình tiết mới”.

 

Ban soạn thảo cho hay, ở Việt Nam, vấn đề án lệ chưa được thừa nhận một cách chính thức với tư cách là một nguồn trong hệ thống pháp luật, nhưng đang được vận dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự. Ban soạn thảo dự án luật đã nghiên cứu, khảo sát để đưa án lệ vào công tác xét xử.

 

Vấn đề mới này vẫn đang còn nhiều cách đánh giá khác nhau. Những người phản đối không đưa án lệ vào công tác xét xử cho rằng hiện nay, bản án, quyết định của tòa án vẫn còn mắc sai lầm, kể cả quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do vậy, bản án, quyết định của tòa án cấp trên không thể là cơ sở cho tòa án cấp dưới tham khảo khi xét xử.

 

Ủy ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng nhận định, tại thời điểm này chưa nên áp dụng án lệ trong công tác xét xử của tòa án mà cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và khi tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng dân sự.

 

Dự án luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình ra kỳ họp QH cuối năm.

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên