Xét tuyển nguyện vọng 2 vào các trường: Nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn

Cập nhật: 13-08-2012 | 00:00:00

Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa họp và chính thức công bố mức điểm sàn xét ĐH, CĐ. Điểm sàn ĐH đối với khối A và A1 là 13,0 điểm, khối B là 14 điểm, khối C là 14,5 điểm và khối D là 13,5 điểm.

Các trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TS

Như vậy, so với điểm sàn năm ngoái, ở hệ ĐH, năm nay điểm sàn khối A, A1 và B vẫn giữ nguyên; còn khối C và D cao hơn 0,5 điểm. Đối với hệ CĐ, điểm sàn các khối tương ứng hệ CĐ thấp hơn điểm sàn hệ ĐH là 3,0 điểm, cụ thể, khối A và A1 là 10,0 điểm, khối B là 11 điểm, khối C là 11,5 điểm và khối D là 10,5 điểm. Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn xét tuyển CĐ của các trường CĐ sử dụng kết quả thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT như sau: Khối A và khối A1: 10,0 điểm; khối B: 11 điểm; khối C: 11,5 điểm; khối D: 10,5 điểm.

 Rất nhiều cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường dành cho TS đạt từ điểm sàn trở lên

Do đó, TS đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định. TS đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác). TS dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

TS dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường CĐ hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của các trường ĐH còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, TS được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với TS rút hồ sơ và TS không trúng tuyển do hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

Theo Hội đồng tuyển sinh các trường, quy định TS được rút hồ sơ từ trường này để tham gia xét tuyển trường khác sẽ tạo thuận lợi cho TS. Điều này là vô cùng quan trọng bởi nó giúp TS chọn được trường hay ngành nghề phù hợp, quyết định cả tương lai nghề nghiệp của một con người. Vì vậy, các trường sẽ thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về việc cập nhật thông tin xét tuyển thường xuyên để TS có cơ sở quyết định việc rút hồ sơ xét tuyển. Quy định cho phép TS rút hồ sơ thoải mái không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh.

Nhiều cơ hội cho TS xét tuyển NV2

Kết quả điểm thi của các trường đã công bố cho thấy điểm của các trường ĐH có sự phân hóa lớn giữa các trường nhóm trên và nhóm dưới. Trong khi phần lớn các trường nhóm giữa khẳng định mặt bằng điểm thi năm nay tương đương năm 2011 thì các trường nhóm trên khá dè dặt.

Tại Bình Dương, chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Thủ Dầu Một năm nay là 2.100 sinh viên hệ ĐH, 1.150 sinh viên hệ CĐ. Tuy nhiên, trong 5.417 TS dự thi ở các khối A, A1, B, C, D chỉ có 90 TS trên 18,5 điểm và 1.624 TS từ 13 điểm trở lên (chiếm 30%). Đặc biệt, trong 321 TS dự thi khối C có rất nhiều TS có điểm dưới trung bình môn lịch sử. Do đó, trường sẽ còn nhiều suất cho TS xét tuyển NV 2. Ở Hệ đào tạo vừa làm vừa học, liên thông, bằng hai, trường xét tuyển 1.100 chỉ tiêu. Hệ CĐ liên thông, vừa làm vừa học: 600 chỉ tiêu.

 Trường Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương thi tuyển đợt 1 và đợt 2 hàng năm theo quy định của Bộ GD-ĐT. Năm 2012, trường tuyển 2.200 chỉ tiêu, trong đó ĐH 1.000 chỉ tiêu và CĐ 1.200 chỉ tiêu với 3 khối A, D1 và C.

Khi toàn cảnh điểm thi dần rõ nét, nhiều trường đã chuẩn bị cho công tác xét tuyển. Năm nay, Bộ GD-ĐT không đưa ra giới hạn về số đợt xét tuyển và cho phép TS được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng để tham gia đăng ký xét tuyển. Mặc dù khẳng định điều này không chỉ tạo thuận lợi cho TS mà còn giúp các trường mở rộng nguồn tuyển, song nhiều trường vẫn e ngại tuyển không đủ chỉ tiêu.

Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp; một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS để trường thông báo kết quả xét tuyển.

Thủ tục nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT: Theo đúng thời hạn quy định của các trường, TS nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên. TS cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lý, cấp biên lai cho TS. Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của TS dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

Thí sinh được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1, xét tuyển các NV bổ sung sau khi có điểm sàn của bộ. Mọi thủ tục, điều kiện xét tuyển các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của mình.

Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của TS dù nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định đều hợp lệ và có giá trị như nhau. Nếu không trúng tuyển hoặc xin rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp, TS sẽ được đáp ứng.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X