Xin chữ - cho chữ và nét đẹp thư pháp ngày xuân

Cập nhật: 31-01-2020 | 10:19:54

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, trên những nẻo đường du xuân, hình ảnh những ông đồ xúng xính trong bộ áo dài, khăn đóng bày biện chiếu hoa cùng giấy mực, nghiên bút ở những góc phố, sân chùa - nơi đông người qua lại đã trở nên thân quen và không thể thiếu đối với nhiều người. Ngày đầu xuân mới 2020, bên những chiếc chiếu hoa ấy, người đến xin chữ cũng đông vui hẳn. Từ người già đến trung niên, thanh niên và cả trẻ nhỏ, ai cũng có điều tâm niệm, ước mong muốn gửi gắm qua những con chữ mà mình định xin về để treo trong nhà cho năm mới thêm phần ý nghĩa...


Thư pháp và tục xin chữ - cho chữ, một nét đẹp văn hóa ý nghĩa đầu xuân

Thú vui tao nhã

Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua. Không biết từ bao giờ, tục xin chữ - cho chữ đầu năm mới đã hình thành và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Những “ông đồ già” trong câu thơ trên như một hình ảnh không thể thiếu trong những ngày đầu xuân mới. Theo những người lớn tuổi, ngày xưa cứ đến dịp tết cổ truyền dân tộc, bên cạnh những lễ vật chuẩn bị đầy đủ để đón tết, mỗi gia đình người Việt thường treo thêm những “câu đối đỏ”. Để có những câu đối hay, ý nghĩa, phù hợp với tâm nguyện, ước mong của chủ nhà, người ta thường tìm đến những người văn hay, chữ tốt trong làng để xin chữ. Từ đó, tục xin chữ - cho chữ dần hình thành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng trong nhà, như hai bên bàn thờ gia tiên hoặc ở phòng khách. Câu đối được xin về để treo đầu năm mới không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.

Ngày xưa, những “ông đồ già” thường là người có tiếng về văn hay, chữ tốt trong làng nên được nhiều người tin tưởng tìm đến tận nhà xin chữ. Những ngày đầu xuân mới thường là thời điểm bận rộn của ông đồ. Người ta quan niệm, xin chữ cũng chính là xin cái đức, cái tâm của người cho chữ để mong những điều may mắn cho mình và gia đình trong năm mới. Thế nên, từ xưa người ta gọi nét đẹp văn hóa ấy là tục “xin chữ - cho chữ” vì thầy đồ không bao giờ ra giá đối với người đến xin chữ. Tuy nhiên, thường người đến xin chữ bao giờ cũng mang theo một vài lễ vật nhà mình sẵn có để tỏ lòng cảm ơn thầy đã cho chữ như vài cơi trầu, lạng chè hay nải chuối… Có khi người đi xin chữ không cần mang theo lễ vật gì, mà chỉ cần có tấm lòng thành của mình là cả người cho lẫn người xin đều cảm thấy vui rồi. Phải tìm đến những ông đồ có tiếng văn hay, chữ tốt để “xin chữ” về treo trong nhà, nên thường người xin chữ bao giờ cũng là người biết quý trọng con chữ. Quý trọng con chữ là điểm chung mà người xin chữ và cho chữ gặp nhau. Từ đó, cứ đến hẹn mùa xuân, họ lại gặp nhau để cùng bàn luận về con chữ, về điều mình gửi gắm, thể hiện qua từng con chữ. Bởi thế, từ xưa, tục xin chữ - cho chữ ngày xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Cùng với thời gian, tục xin chữ - cho chữ đầu xuân đôi lúc bị mờ nhạt, nhưng nó vẫn tồn tại và lưu truyền đến ngày nay. Bây giờ, người ta ít thấy những “ông đồ già” ngồi cho chữ nữa, mà thay vào đó là những “ông đồ trẻ” tuổi mới ngoài 20, 30. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, bởi trong xã hội hiện đại ngày nay, những người trẻ vẫn tìm về văn hóa truyền thống dân tộc, vẫn yêu thích, đam mê ý nghĩa của những con chữ thanh cao này.

Nét đẹp ngày xuân

Đến với đường hoa xuân Bình Dương, chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một), phố đi bộ Bình Dương... trong những năm gần đây, nhiều khách du xuân thường nán lại bên manh chiếu hoa của những “ông đồ trẻ” để xin về cho mình, gia đình hoặc xin để tặng người thân, bạn bè những câu chữ hết sức ý nghĩa trong ngày đầu xuân mới. Ở góc công viên Phú Cường, khoảng từ mùng 10 tết đến rằm tháng giêng, những ông đồ cũng bắt đầu bày chiếu, bút mực để phục vụ du khách hành hương.

Ông đồ trẻ Nguyễn Minh Đức cho biết đây là năm thứ 11 anh bày chiếu ở góc chùa Hội Khánh để viết chữ phục vụ du khách đến hành hương. Từ yêu thích, anh đã tìm hiểu, học viết thư pháp, tìm hiểu ý nghĩa câu chữ, thơ văn để làm phong phú vốn câu chữ của mình nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều người hơn. Góc chiếu của anh bắt đầu phục vụ khách từ đêm giao thừa đến hết rằm tháng giêng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người đến xin chữ. Cao điểm, vào ngày mùng 1 tết, lượng người đến xin chữ tăng lên gấp đôi. Anh cho biết so với những năm đầu mới bày chiếu, bây giờ người biết đến thư pháp, người muốn xin chữ đầu năm nhiều hơn nên lượng khách anh phục vụ hàng ngày cũng nhiều hơn trước. Bởi thế, để xin được con chữ theo đúng tâm ý của mình, nhiều người phải ngồi chờ đến lượt mới xin được chữ mang về. Tuy nhiên, với họ đây là điều rất ý nghĩa trong ngày đầu xuân mới nên dù phải chờ đợi đến lượt nhưng ai cũng thấy hân hoan trong lòng.

Ông Hoàng Minh Tám (75 tuổi, ở TP.Thủ Dầu Một) là khách đến xin chữ nhiều năm qua ở manh chiếu của “thầy đồ trẻ” Nguyễn Minh Đức. “Năm nào mùng 4 tết tôi cũng đến đây xin chữ để chúc cho gia đình, xã hội luôn có cuộc sống bình yên, đoàn kết, vui vẻ. Gốc của tôi là người kinh bắc, ngoài chữ “phúc - lộc - thọ”, hàng năm tôi còn xin những chữ liên quan đến văn hóa nghệ thuật. Mình xin về treo trong nhà để khi nào cũng nhìn thấy nó và nhắc nhở mình phải luôn giữ gìn truyền thống và lan tỏa văn hóa của Việt Nam mình đi muôn phương...”, ông Tám chia sẻ. Cũng theo ông Tám, cho chữ đầu xuân là phong tục hết sức ý nghĩa, khuyến khích con cháu chúng ta phát huy truyền thống hiếu học của ông cha để phấn đấu làm cho cuộc sống của cộng đồng ngày càng văn minh, tiến bộ.

Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn đi xin chữ để tặng cho người khác mà mình yêu quý, trân trọng. Người thì xin chữ tặng cho con, cháu, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu... Cô Nguyễn Thị Hướng (ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), cho biết đầu năm lên chùa sau khi lễ Phật xong cô thường ghé góc chiếu của ông đồ để xin chữ mang về treo trong nhà. Cô Hướng cho rằng đây không chỉ là nét đẹp văn hóa ngày xuân mà những chữ mình xin về thường gắn liền với những điều hay lẽ phải, những giá trị chân thiện mỹ. Xin chữ về treo trên tường để nhắc nhở mình phải luôn cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa.

Người xưa thường xin câu đối về treo trong nhà. Còn bây giờ, ngoài những câu đối, có người chỉ xin một hoặc hai chữ mà mình thấy tâm đắc. Năm nay xin chữ này rồi thì đến năm sau sẽ xin chữ khác, như: Tâm, trí, lộc, tài, phúc, nhẫn, tĩnh, bình an, hạnh phúc, vợ chồng... Cũng có những người mang theo cả câu thơ, câu tục ngữ có ý nghĩa với họ đến nhờ ông đồ phác họa trên giấy. Những con chữ, câu thơ, tục ngữ... được ông đồ thể hiện dưới hình thức thư pháp nên cũng uốn lượn, thanh thoát, nhẹ nhàng hơn. Dưới nét bút tài hoa, phóng khoáng của người viết, những con chữ vốn dĩ rất mộc mạc ấy trở nên có hồn hơn, đẹp tựa “rồng bay, phượng múa”. Cũng vì lẽ đó, thư pháp được xem là nghệ thuật viết chữ đẹp của người xưa lưu truyền đến bây giờ. Ngày xưa, ông đồ thường dùng chữ Hán, chữ Nôm khi cho chữ. Khi chữ quốc ngữ ra đời, các ông đồ cũng chuyển dần sang viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Với chữ quốc ngữ, họ có thể “vẽ chữ” theo đam mê viết thư pháp của mình, vừa thể hiện được tinh thần dân tộc trong đó.

Ngày xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược du xuân, hành hương đây đó, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh thân quen của những ông đồ trẻ với áo dài, khăn đóng và vây quanh là những người yêu chữ đủ các lứa tuổi. Cùng với niềm hân hoan, phấn khởi trên nẻo đường du xuân ấy, sau khi ghé qua đây, mỗi người còn mang về cho mình, cho gia đình, người thân, bạn bè... những con chữ mang ý nghĩa của niềm vui, hạnh phúc, sự may mắn và bình an. Như vậy, còn gì thú vị, ý nghĩa bằng.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên