Xu hướng sinh một con

Cập nhật: 30-03-2013 | 00:00:00

Xã hội dần phát triển, các chế độ an sinh càng tăng, sự ràng buộc cha mẹ với con cái lỏng lẻo, khiến cho xu hướng độc thân tăng lên, tâm lý muốn kết hôn muộn và nhu cầu sinh ít con ngày càng trở nên phổ biến.

Dễ bề chăm sóc

Kết hôn ở tuổi 27 nhưng phải đến 3 năm sau vợ chồng Thư mới quyết định sinh em bé. Sự “trì hoãn” này là do cả hai đều muốn dành dụm đầu tư cho tương lai”. Tiền lương hàng tháng, hai vợ chồng để riêng một phần tích lũy, khi tâm lý vững vàng, tinh thần thoải mái mới nghĩ tới chuyện sinh con.

Ảnh minh họa Xác định tâm lý ngay từ đầu là chỉ sinh một em bé để hai vợ chồng dồn toàn bộ tình yêu thương cho con. Lần đầu làm mẹ, muốn dành hết tình yêu cho con nên mỗi lần con “sổ mũi” là Thư đã lo lắng tới mức không làm được gì. “Em bé nhà mình đã 8 tháng tuổi, ông bà nội ngoại cũng ở gần cả nhưng cứ nghĩ đến cảnh “giao” con cho bà để đi làm lại thấy bứt rứt hết ruột gan”. Chồng là người biết kiếm tiền, thêm những phụ giúp của gia đình hai bên nhưng tâm lý hai vợ chồng đều không muốn quá vất vả. Cả hai muốn có thời gian cho riêng mình khi con khôn lớn. “Mình không nghĩ đẻ nhiều con để nương tựa bản thân sau này. Sinh con ra mục đích chính là để nhìn nó lớn lên, khỏe mạnh, giỏi giang và rồi hạnh phúc với gia đình nhỏ của nó. Thế nên tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình để quyết định”. Thật may vì ông bà nội ngoại đều cùng chung quan điểm với vợ chồng Thư, đẻ ít hay đẻ nhiều không quan trọng bằng việc có nuôi nấng được con hay không. “Trẻ con có tiền thôi chưa đủ, chỉ là điều kiện cần, còn phải nuôi nấng dạy dỗ. Đó mới là cuộc đua dài hơi mà không một ai có thể chắc chắn được mình là người thành công”, bà mẹ trẻ chia sẻ.

Do điều kiện kinh tế

“Ông bà nhà mình muốn có nhiều cháu”, chị Nga nói và thở dài thườn thượt khi nghĩ tới những lời thúc giục của ông bà, họ hàng khi thấy anh chị 10 năm rồi vẫn chưa cho ra “sản phẩm” thứ hai. Sinh con với chị hoàn toàn không phải việc quá khó khăn nhưng áp lực chăm sóc con cái với gia đình công chức quèn như chị mới là vất vả. Vợ chồng chị đều là dân nhập cư, tiền lương tháng nào là xài hết tháng đó. Khi bé đầu chào đời, anh chị như người “thiếu tay, thiếu chân” vì đủ thứ việc không tên kìm chân. Ông bà ở quê đã nhiều tuổi nên chỉ đỡ đần anh chị đôi, ba tháng đầu. “Hồi sinh em bé xong mình già đi trông thấy, sức khỏe thì kém hơn nhiều, suốt ngày bận bịu con cái, hết bệnh này lại bệnh kia. Tiền thì đủ nên hai vợ chồng cãi nhau suốt. Chăm con đã cực, lại thương con vì thiệt thòi đủ thứ”. Vì lý do “cơm - áo - gạo - tiền” nên dù nhìn thấy trẻ con chị vẫn rất thích. Nhưng đôi khi, việc mong muốn và điều kiện thực tế khiến vợ chồng chị không đủ can đảm sinh thêm đứa nữa.

Có một thực tế là xã hội đang ngày càng theo xu hướng được hưởng thụ, muốn tạo môi trường và điều kiện sinh sống tốt nhất cho con. Nói chung, con cái là tài sản quý. Vì vậy, việc sinh con nhiều hay ít là tùy điều kiện, hoàn cảnh, kinh tế gia đình để cho con có một mái ấm hoàn hảo nhất.

THU THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên